Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, tạo ra những trải nghiệm mới lạ cho du khách. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân mà còn tạo điểm nhấn cho những làng quê.
HTX chè Tân Cương - Phúc Linh, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) đang hoàn thiện không gian thưởng trà để đón du khách tham quan.
Khác biệt với sự ồn ào, náo nhiệt của nhịp sống nơi phố thị, Làng Háo Hức - địa điểm du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm ở xóm 7, xã Phúc Tân (TP. Phổ Yên) thu hút du khách bởi không gian thanh bình, yên ả bên những rừng keo xanh ngút ngàn.
Với quy mô 14ha, Làng Háo Hức gồm có 2 ngôi nhà sàn (là địa điểm tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể) và 5 ngôi nhà được xây dựng bằng tường tranh vách đất. Nội thất bên trong nhà khá đơn sơ, mộc mạc, chủ yếu được làm từ tre, nứa, gỗ. Xung quanh nhà có lối đi trải đầy hoa, có vườn trồng rau, cây ăn quả, khu nuôi gà, ao thả cá, rừng keo xanh mướt và khu bể bơi. Bà Nguyễn Thị Hương, một du khách đến từ quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: Tôi đến đây qua lời giới thiệu của một người bạn. Từng có những tháng ngày tuổi thơ gắn bó với thôn quê nên hình ảnh nhà tranh, mái lá luôn gợi lại cho tôi những ký ức đẹp về gia đình. Không khí tại đây cũng rất trong lành, thoáng đãng, mát mẻ, tạo cảm giác thư thái, dễ chịu mà ở thành phố không có được.
Không giống với Làng Háo Hức, Tân Sơn quán - cơ sở tham quan kết hợp ăn uống, nghỉ dưỡng ở xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ) lại thu hút du khách bởi dòng suối Kẹm mát lành và những bể cá tầm được nuôi quanh năm. Anh Lê Văn Phương, chủ cơ sở Tân Sơn quán cho biết: Tận dụng nguồn nước trong lành chảy ra từ dãy núi Tam Đảo, nhà tôi thường xuyên duy trì nuôi 3 tấn cá tầm. Cá có trọng lượng 3kg, tôi bán với giá 270 nghìn đồng/kg, còn cá to hơn thì bán với giá từ 300-350 nghìn đồng/kg. Vừa nuôi cá tôi vừa kết hợp làm du lịch, phục vụ ăn uống. Khách đến đây được tắm suối, được chăn cá và thưởng thức các món ăn từ cá tầm. Trong những ngày hè, bình quân mỗi ngày gia đình phục vụ gần 100 khách đến tham quan, ăn uống. Năm nay, nhà tôi đã đầu tư 700 triệu đồng cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng thêm 10 phòng nghỉ để đáp ứng nhu cầu của du khách ngủ lại qua đêm.
Còn tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), được tham quan những nương chè bát úp, tham gia thu hái, sao chè và thưởng thức ngay tại cơ sở sản xuất cũng là trải nghiệm thú vị đối với nhiều du khách khi đến với Thái Nguyên và Khu du lịch hồ Núi Cốc. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều HTX, hộ dân trên địa bàn xã đã cải tạo xưởng sản xuất, mở thêm không gian thưởng trà phục vụ du khách. Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc, Giám đốc HTX chè Tân Cương - Phúc Linh cho biết: Du khách đến đây có thể thỏa sức ngắm nhìn những đồi chè, trải nghiệm việc thu hái, sao chè, đóng gói, thưởng thức và chọn mua chè đặc sản về làm quà tặng.
Có thể thấy, các mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái đã tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương, qua đó nâng cao đời sống của người dân và tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về du lịch nông nghiệp sinh thái, mỗi địa phương trong tỉnh lại có cách làm riêng, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đơn cử như huyện miền núi Định Hóa, trong giai đoạn 2020-2025 địa phương triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của các dân tộc trong huyện. Theo đó, tại xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc, cùng với tham quan các điểm di tích lịch sử trên địa bàn, du khách có thể trải nghiệm hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với văn hóa trà, làm đàn tính, đan nón Tày…
Còn tại huyện Đại Từ, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại, tham quan. Cùng với đó, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, HTX đầu tư tại một số điểm du lịch sinh thái trên địa bàn để thu hút du khách.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tận dụng các điều kiện tự nhiên, văn hóa của từng địa phương, nhiều đơn vị, cá nhân trong tỉnh đã đầu tư phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Ðây là hướng phát triển nhằm tăng sức hút của du lịch trên địa bàn tỉnh, làm phong phú, hấp dẫn thêm các sản phẩm du lịch của từng địa phương. Trong đó có thể kể đến một số mô hình nông nghiệp gắn với du lịch tiêu biểu như: Khu du lịch sinh thái Nhà Tôi, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên); Yasmin Farm Resort, ở xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên); Homestay Hoàng Nông farm, ở xã Hoàng Nông (Đại Từ)... Du lịch sinh thái nông nghiệp đã đem đến cho du khách cơ hội tìm hiểu và tham gia các khâu thu hoạch, chế biến, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tham quan các danh lam thắng cảnh và tham gia hoạt động sinh hoạt văn hóa bản địa.
Theo khảo sát của chúng tôi, các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh đều có cảnh quan đẹp, thơ mộng, tạo sự trải nghiệm thú vị đối với du khách. Tuy nhiên, chưa có sự kết nối giữa các điểm thành tua, tuyến để tạo thuận lợi cho du khách tham quan; cơ sở hạ tầng tại một số điểm cũng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có các dịch vụ đi kèm như ăn uống, nghỉ ngơi...
Vì vậy, để khai thác những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, các địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch khu vực nông thôn gắn liền với cảnh quan du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng, quan tâm giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, hỗ trợ người dân phát triển du lịch một cách bền vững thông qua tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng…
Khánh Thiện