Khách du lịch muốn ngắm những thửa ruộng bậc thang, con nước miền sơn cước không cần phải đi đến những vùng đất Tây Bắc xa xôi, chỉ cần tới Pù Luông (Thanh Hóa) là đã có thể thưởng ngoạn và hòa cùng cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc miền núi.
Nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa chưa đầy 130km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 190km, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận huyện Quan Hóa và Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa.
Đến khu bảo tồn này mới thấy, khác xa với không khí ồn ào nơi phố hội, bình minh ở Pù Luông là tiếng nước chảy róc rách từ các mó nước quanh nhà, tiếng chim hót véo von và màn sương mờ ảo từ những đỉnh núi cao phía xa xa.
Khách du lịch tham quan ruộng bậc thang tại Pù Luông.
Nhiều du khách đặt câu hỏi, vì sao địa danh nơi này lại mang tên Pù Luông, vậy nghĩa của nó là gì? Người dân ở đây lý giải, trong tiếng Thái, Pù Luông có nghĩa là vùng núi có nhiều cây tre luồng.
Đến với Pù Luông, du khách có cơ hội tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào người Thái, người Mường với lối sống giản dị, mộc mạc. Đồng thời tham quan, khám phá các bản du lịch cộng đồng của đồng bào như bản Đôn, bản Hiêu, bản Hang, bản Kho Mường với cảnh quan nguyên sơ cùng những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong khói lam chiều; chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các triền núi và đắm mình dưới thác Hiêu trong xanh giữa đại ngàn hùng vĩ.
Được thời tiết ưu ái nên vùng đất này mát mẻ quanh năm, đặc biệt Pù Luông tại vùng Cao Sơn (xã Lũng Cao và Cổ Lũng huyện Bá Thước) với những đỉnh núi cao gần 2.000m so với mặt nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, nhiệt độ quanh năm ổn định từ 18 - 22 độ C được ví như một Sa Pa thu nhỏ.
Nhiều phượt thủ bật mí đến Pù Luông đẹp và hấp dẫn nhất trong năm là vào khoảng tháng 6, khi lúa trên các thửa ruộng bậc thang chín vàng khiến cho nơi đây mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng. Thời điểm này cũng chính là lúc vùng đất “thiên đường giữa đại ngàn” này hút khách du lịch ngắm lúa chín nhiều nhất.
Cọn nước lên các thửa ruộng bậc thang của đồng báo Thái, Mường bản Chiềng Lau.
Là vùng đất khá biệt lập với bên ngoài nên Pù Luông còn lưu giữ nhiều tập tục của người Thái, người Mường cổ, những ngôi nhà sàn vẫn giữ nguyên dấu ấn truyền thống chưa bị ảnh hưởng kiến trúc hiện đại.
Những năm gần đây, nhằm thu hút khách du lịch, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, theo mô hình sinh thái thiết kế hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp kiến trúc truyền thống của vùng đất Pù Luông như: Puluong Natura bungalow, Puluong Retreat, Puluong Eco-garden, Puluong OhayO...
Trên hành trình khám phá Pù Luông, du khách có thêm cơ hội chiêm ngưỡng những cọn nước lên các thửa ruộng bậc thang của đồng báo Thái, Mường ở khu vực bản Chiềng Lau. Tiếng cọn nước kẽo kẹt hòa cùng tiếng suối róc rách, mùi lúa thơm len lỏi cùng những nếp nhà sàn người Thái ẩn hiện xa xa làm khung cảnh miền sơn cước càng nên thơ.
Khách du lịch tham quan bản làng đồng bào dân tộc Thái tại Pù Luông.
Nếu đến Pù Luông vào thứ 5 hoặc Chủ nhật, du khách còn có thể tham gia phiên chợ Phố Đòn, có từ thời Pháp thuộc, là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào dân tộc Kinh, Mường, Thái các xã quanh vùng cùng người dân ở huyện Tân Lạc, Lạc Sơn… (tỉnh Hòa Bình).
Một điểm nhấn để Pù Luông hấp dẫn du khách là những món ngon dân dã của người dân bản địa như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, cá hấp ống tre, ốc núi, xôi ngũ sắc, đặc sản vịt Cổ Lũng, gà đồi, lợn mán nướng.
Giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng PuLuong Retreat Hà Nam Trung cho hay, du khách chọn nơi này làm địa điểm khám phá, nghỉ dưỡng sẽ được thưởng thức món canh đắng từ một loại lá rừng với lòng gà, vịt, lợn… Ai chưa từng ăn sẽ thấy rùng mình khi nếm món ăn đắng ngắt, nhưng khi đã thưởng thức, hương vị đắng ngọt nơi vòm miệng khiến du khách còn nhớ mãi.
Lê Nam