Những điểm đến hấp dẫn ở Kon Tum

Cập nhật: 09/05/2022
Nhà rông Kon Klor; Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum; Tòa giám mục Kon Tum... là những điểm đến hấp dẫn ở Kon Tum.

Nhà rông Kon Klor

Nằm trên đường Bắc Kạn (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), cách sông Đăk Bla và cầu treo Kon Klor không xa, nhà rông Kon Klor là ngôi nhà rông lớn nhất khu vực Tây Nguyên với chiều dài 17,2m, rộng 6,4m, cao 22m, được dựng bằng tranh, tre, nứa, lá và gỗ. Điểm nổi bật của nhà rông Kon Klor là mái nhà cao vút được làm từ tranh ép; toàn bộ hệ thống giàn khung được dựng từ những thanh gỗ chắc khỏe bắt chéo nhau tạo nên kết cấu vững chãi mà vẫn mang hình dáng uốn cong mềm mại như lưỡi rìu. Phần đỉnh mái được trang trí họa tiết tinh xảo. Thân nhà có các họa tiết hoa văn đặc trưng của Tây Nguyên. Bên dưới là phần đế được chống bằng 12 trụ cột làm từ gỗ xoay - loại gỗ quý hiếm có thể chịu thời tiết khắc nghiệt ở Tây Nguyên.

Nhà rông Kon Klor là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và được coi là “trái tim” của người Ba Na sinh sống tại khu vực này.

Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum

Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum (hay nhà thờ Gỗ) tọa lạc tại số 13 đường Nguyễn Huệ (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum), được xây dựng năm 1913 bởi một vị linh mục Pháp. Công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ và mang nét kiến trúc độc đáo nhờ sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Roman với kiểu nhà sàn của người Ba Na. Trần và tường nhà thờ được xây bằng đất trộn rơm; hệ thống cột gỗ, rui mè chạm khắc hoa văn đơn giản nhưng mạnh mẽ, phóng khoáng. Ngoài phần chính là giáo đường, nhà thờ Gỗ còn có các hạng mục khác như nhà trưng bày sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông, nhà tiếp khách; cơ sở mộc, dệt thổ cẩm; cơ sở may và cô nhi viện.

Tòa giám mục Kon Tum

Tòa giám mục Kon Tum còn được biết đến với tên gọi “Chủng viện thừa sai Kon Tum”, nằm tại số 146 đường Trần Hưng Đạo (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum). Đây là cơ sở công giáo lớn nhất khu vực Tây Nguyên, từng là nơi đào tạo giáo sĩ cho các giáo phận. Chủng viện thừa sai Kon Tum được Đức cha Martial Jannin Phước xây dựng năm 1935, với lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa nét văn hóa truyền thống bản địa cùng phong cách hiện đại của phương Tây. Công trình gồm 3 tầng: Tầng trệt được xây bằng gạch và bê tông; hai tầng lầu có kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói. Điểm nhấn của Tòa giám mục là phòng truyền thống trưng bày tư liệu về lịch sử truyền giáo cùng các nông cụ, vật dụng sinh hoạt, nhạc cụ, tác phẩm điêu khắc mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Kon Tum. Công trình nằm trọn trong không gian xanh mướt của cây cối.

Mỹ An

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 08/5/2022