(TITC) - Ngày 18/5, Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh với Chuyên đề 2 “Chuyển đổi số - động lực phát triển bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (VCCI) phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đồng chủ trì Diễn đàn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: TITC)
Với bài phát biểu trực tuyến khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.
“Để chuyển đổi số thành công, có thể sẽ phải mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa. Dịch Covid-19 tuy gây thiệt hại nhưng cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp và ngành du lịch chuyển đổi, bắt kịp xu hướng không thể đảo ngược của thế giới là chuyển đổi số”, ông Phòng cho biết.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu trực tuyến khai mạc diễn đàn (Ảnh: TITC)
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch. Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh COVID-19. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn.
Theo Phó Tổng cục trưởng, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với một số nhóm nhiệm vụ chính gồm: Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam. Thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như “ứng dụng Du lịch Việt Nam”, “ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19”.
Trong việc hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số, năm 2021 Tổng cục Du lịch bắt đầu triển khai hỗ trợ Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh. “Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng hệ thống vé điện tử hiện đại để nâng cao năng lực quản lý cũng như cải thiện chất lượng đón và phục vụ khách tham quan” - Phó Tổng cục trưởng chia sẻ.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị cần tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
(1) Tiếp tục hoàn thiện các Đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(2) Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến về thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.
(3) Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch gồm có: Trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; Hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.
(4) Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.
Toàn cảnh diễn đàn (Ảnh: TITC)
(5) Phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử…
(6) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số.
(7) Đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, thông qua việc tổ chức các cuộc thi, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch.
(8) Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.
Phó Tổng cục trưởng tin tưởng rằng trong thời gian tới toàn ngành sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, giúp du lịch phát triển theo hướng bền vững hơn, khai thác nhiều hơn các giá trị kinh tế số từ hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến liên quan đến phát triển kinh tế số du lịch, xu hướng chuyển đổi số trong quản lý khách sạn, trong công tác xúc tiến, truyền thông du lịch, phát triển sản phẩm, trong giao dịch kinh doanh. Các đại biểu cũng nhấn mạnh để thúc đẩy chuyển đổi số thì yếu tố công nghệ chưa phải quan trọng nhất mà trước hết cần đổi mới tư duy, nhận thức một cách căn bản từ tư duy quản lý truyền thống sang tư duy mới về quản lý và khai thác các giá trị kinh tế số…
Ông Nguyễn Đức Thành - Phó TGĐ Tập đoàn Công nghệ Vietsens chia sẻ về kinh nghiệm trong ứng dụng chuyển đổi số, các sản phẩm minh hoạ
Các đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương và các doanh nghiệp đề xuất cần có nền tảng số dùng chung của ngành du lịch; tạo cơ chế tích hợp, chia sẻ và khai thác dữ liệu trên các nền tảng dùng chung; kết nối liên thông các phần mềm, ứng dụng của địa phương, điểm đến với cơ quan quản lý du lịch quốc gia; phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch.
Đại diện cơ sở đào tạo du lịch mong muốn các cấp có thẩm quyền nghiên cứu đưa nội dung chuyển đổi số vào chương trình đào tạo trong các trường học, đào tạo đội ngũ giảng viên về chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội đồng bình chọn tiến hành phát động cuộc bình chọn doanh nghiệp dịch vụ du lịch tiêu biểu năm 2022 (Ảnh: TITC)
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ phát động cuộc bình chọn doanh nghiệp dịch vụ du lịch tiêu biểu năm 2022 và Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Công ty Cổ phần Ngọc Sương (Ngọc Sương Group).
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Công ty Cổ phần Ngọc Sương (Ngọc Sương Group) (Ảnh: TITC)
Trung tâm Thông tin du lịch