Hướng tới nâng cao tỷ lệ "phủ" nước sạch vùng nông thôn ở Đắk Lắk

Cập nhật: 24/05/2022
Trong lễ phát động Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường vừa được tổ chức tại Đắk Lắk, với chủ đề “Quản lý, vận hành, khai thác bền vững công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn”, cơ quan chức năng đã kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân cùng hành động để người dân có đủ và dùng nước sạch một cách hiệu quả, đảm bảo vệ sinh và thực hành tốt vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh.

Xác định công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung là hạ tầng quan trọng, cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe cho người dân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa từ nhiều nguồn vốn, chương trình; nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ngày càng được nâng lên.

Người dân ở buôn Ea Dray A (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) sử dụng nguồn nước giếng đào không bảo đảm vệ sinh để phục vụ sinh hoạt.

Bên cạnh những kết quả đó, công tác cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Ông Vũ Đức Côn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, tính đến nay, toàn tỉnh có gần 200 công trình cấp nước vùng nông thôn được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên có đến 1/3 số công trình đang hoạt động kém hiệu quả, thậm chí ngừng hoạt động.
 
Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm trên 96%; trong đó, số hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung chỉ xấp xỉ 40%.

Nguyên nhân là do các công trình này đã xây dựng quá lâu, quy mô nhỏ, công nghệ đơn giản; một số được xây dựng trong tình thế chống hạn, khắc phục tình trạng thiếu nước ở những vùng rất khó khăn.

Cùng với đó, trước đây, việc đầu tư theo nhu cầu vùng khó khăn làm trước, vùng ít khó khăn làm sau nên công trình cấp nước ở vùng khó khăn thường hoạt động không hiệu quả do đây là vùng kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí thấp, dân cư ở thưa thớt nên tiền nước thu được không đủ để bù đắp chi phí quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng công trình, dẫn đến công trình hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động.

Mặt khác, các công trình cấp nước này được giao cho địa phương quản lý trong khi người phụ trách không được đào tạo bài bản nên hiệu quả công tác quản lý, vận hành không tốt. Ngoài ra, nhận thức của người dân trong việc bảo vệ công trình cũng còn hạn chế nên thường chỉ hoạt động được trong thời gian ngắn.

Theo ông Lương Văn Anh  - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung là một trong những khu vực có tỷ lệ công trình cấp nước nông thôn tập trung hoạt động không cao. Do đó, việc cần thiết hiện nay là phải huy động sự vào cuộc của đơn vị quản lý nhà nước và cả cộng đồng để khắc phục tình trạng này.

Trước hết, phải cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước ở những nơi có nhu cầu; chú trọng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ quản lý, vận hành các công trình; hỗ trợ kinh phí cấp bù giá nước ở khu vực khó khăn; tuyên truyền cho người dân để họ biết được sự quan trọng của nước sạch, từ đó nâng cao nhận thức trong việc sử dụng nguồn nước và bảo vệ công trình.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc vận hành công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Dang Kang, huyện Krông Bông.

Được biết, để khôi phục hoạt động các công trình cấp nước ở nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã và đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án sửa chữa.

Cùng với đó, Trung tâm cũng đã tiếp nhận quản lý, vận hành một số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung kém hiệu quả ở một số địa phương; đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, tham gia bảo vệ công trình.

Về lâu dài, cần có chính sách xã hội hóa hoạt động cấp nước sinh hoạt, đầu tư những công trình bài bản, có tính bền vững ngay từ ban đầu; trong đó, đặc biệt chú trọng đến nguồn nước và tổ chức vận hành, quản lý.

Thiết nghĩ, ngoài công tác khai thác, vận hành, quản lý công trình cấp nước bền vững, phát huy hiệu quả đầu tư và chống lãng phí của các cơ quan chuyên môn thì người dân, cộng đồng cần chung tay bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch tại nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình.

Thúy Hồng

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 20/05/2022