Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2022

Cập nhật: 23/05/2022
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) là ngày được chọn nhằm đề cao các công tác bảo vệ đa dạng sinh học trên trái đất. Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2022, một số địa phương trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần.

Huế: thả 32.000 con cá trên sông Hương

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, sáng 21/5, Sở NNPTNT Thừa Thiên – Huế tổ chức Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên sông Hương.Tham dự buổi lễ có ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Karoline Andaur - Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Na Uy.

Thả 32.000 con cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên sông Hương.

Dịp này, đã có khoảng 32.000 con cá các loại gồm: cá trôi, cá mè và cá trắm được thả xuống sông Hương. Đây là lần thứ 3 Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) phối hợp với các đơn vị tổ chức tái tạo nguồn lợi thủy sản; tổng số lượng thả là 178.000 con. Trong đó tại sông Hương 2 lần với 72.000 con, thủy điện Hương Điền 106.000 con.

Trong những năm qua, hoạt động thả cá, tôm, cua và các giống loài thủy sản trên các vùng nước tại Thừa Thiên - Huế đã thu hút được sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng nhân dân, xã hội. Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục triển khai thả 460.000 các loại cá nước ngọt, 990.000 tôm sú giống, 17.600 cua hoặc cá dìa tại 22 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 800.000 con tôm sú trưởng thành ra biển,…

Đà Nẵng: ngăn chặn nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã

Với lợi thế về vị trí địa lý và giao thông thương mại, TP. Đà Nẵng được nhiều đối tượng lợi dụng để vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) và các sản phẩm từ ĐVHD dưới hình thức trung chuyển, quá cảnh, nhập khẩu trái phép. Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Thành phố Đà Nẵng quyết tâm ngăn chặn nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã.

Lực lượng kiểm lâm Đà Nẵng thả cá thể ĐVHD về môi trường tự nhiên.

Nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động vật hoang dã, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học TP. Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 14/9/2020. Mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của thành phố; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện quy trình và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; chia sẻ trách nhiệm và lợi ích cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Linh Chi (t/h)

Nguồn: Báo Kinh tế môi trường - kinhtemoitruong.vn - Đăng ngày 23/05/2022