Ngoài thơ, ca, truyện cổ, các lễ hội truyền thống,... đồng bào Tày tại Bắc Kạn còn có một hệ thống các điệu dân vũ được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong số này, múa Bát là một trong những điệu múa khá phổ biến gắn với đời sống, sinh hoạt và sản xuất hàng ngày của đồng bào.
Xã Đổng Xá, huyện Na Rì được coi là một trong những nơi cư trú đầu tiên của người Tày cổ trên đất Bắc Kạn. Hàng nghìn năm qua, đồng bào Tày nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đặc văn hóa của cha ông truyền lại từ trang phục, nhà ở, nếp sinh hoạt đến các loại hình văn hóa, văn nghệ…
Những người già ở Đổng Xá cũng không ai biết điệu múa Bát xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng điệu múa này được truyền lại từ đời ông bà, qua thế hệ này đến thế hệ khác. Nghệ nhân Nông Thị Oanh, Chủ nhiệm CLB Văn hóa Thể thao Người cao tuổi xã Đổng Xá nói: "Điệu múa bát này có từ lâu lắm rồi, chúng tôi được thế hệ cha ông truyền lại đến giờ. Hiện nay để bảo tồn điệu múa của cha ông, chúng tôi cũng tổ chức dạy lại cho thế hệ trẻ để các cháu lưu giữ. Các cháu cũng rất tích cực tham gia, nhất là các cháu trẻ tiếp thu rất nhanh".
Các nghệ nhân ở xã Đổng Xá, huyện Na Rì truyền dạy điệu múa Bát cho thế hệ trẻ.
Cũng có ý kiến cho rằng điệu múa Bát bắt nguồn từ việc mô phỏng hoạt động ươm tơ, dệt vải của đồng bào Tày từ xa xưa. Chiếc bát dùng để ươm kén, nén tơ tằm; đôi đũa là công cụ để khuấy tơ.... động tác đó được những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tày lặp đi lặp lại cho đến khi có đủ sợi tơ để dệt vải. Cũng có ý kiến cho rằng, điệu múa Bát xuất phát từ nghi lễ cầu mùa hoặc lễ mừng cơm mới của đồng bào nên đạo cụ chính là chiếc bát, đôi đũa được bà con sử dụng trong bữa ăn hàng ngày....
Để thể hiện điệu múa Bát, cần sự chính xác về nhịp phách, khéo léo phối hợp giữa tay, chân nhịp nhàng. Người múa vừa bước đi theo những nhịp gõ đều đặn vừa sử dụng chiếc bát và đôi đũa tạo ra âm thanh như một bản nhạc độc đáo. Người múa còn phải chú ý đến việc di chuyển sao cho đều, di chuyển nhịp nhàng để tránh va chạm nhau... Nhịp bước lúc nhanh lúc chậm kết hợp cùng các động tác rung, lắc cổ tay đã tạo nên điệu múa Bát vừa vui nhộn, vừa đẹp mắt và khỏe khắn, thể hiện sự gửi gắm mong ước cuộc sống đủ đầy, mùa màng bội thu.
Thông thường, các điệu múa Bát được biểu diễn thành một tổ hợp dân vũ, không quy định cụ thể về số người tham gia và có thể được biểu diễn trong hội làng, dịp Tết hay thậm chí là ngày chợ phiên. Điệu múa với đạo cụ độc đáo, giản dị để bất cứ ai đều có thể tham gia...
Điệu múa Bát cũng được truyền dạy trong trường học
Ngày nay, đến với những bản làng của người Tày ven Hồ Ba Bể, du khách không chỉ say lòng bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, sông nước mà còn được đắm chìm trong không gian âm nhạc của đồng bào Tày với những làn điệu dân ca, dân vũ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó có điệu múa Bát đầy vui nhộn, hấp dẫn.
Chị Nông Thu Biến, Trưởng đội văn nghệ dân gian thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết: "Điệu múa Bát hiện nay đã được thay đổi chút ít về hình thức thể hiện để phù hợp với các hoạt động phục vụ du lịch. Ở vùng hồ Ba Bể có các thôn như Cốc Tộc, Bó Lù, Pác Ngòi đang gìn giữ điệu múa bát truyền thống của người Tày. Hàng tuần, nhóm chúng tôi tập vào thứ Năm và thường biểu diễn cho khách. Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đều đánh giá cao và rất thích thú với điệu múa bát này".
Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch Ba Bể, Sở VHTTDL Bắc Kạn đã thành lập một số đội văn nghệ dân gian, tập huấn về các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền trong đó có điệu múa bát của người Tày. Đặc biệt là phối hợp với một số trường nội trú thành lập các đội văn nghệ dân gian trong trường học.
Điệu múa Bát của đồng bào Tày đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Em Nông Thị Việt Hòa ở thôn Chợ Chùa, xã Đổng Xá, huyện Na Rì nói: "Xem những điệu múa thì em hình dung được các bà, các mẹ ngày xưa múa rất vui, không nhất thiết phải có nhạc như bây giờ, các bà tự hát, múa rất hay. Về trường em sẽ tiếp tục tập luyện, tuyên truyền điệu múa ở câu lạc bộ mà em đang tham gia. Và nếu có điều kiện, cơ hội em sẽ cùng các bạn trẻ, đoàn viên khác trong trường đến giao lưu với các địa phương khác và sẽ cố gắng học hỏi, giao lưu những nét văn hóa truyền thống dân tộc mình”.
Vừa qua, điệu múa bát của người Tày Bắc Kạn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ghi nhận giá trị to lớn mà điệu dân vũ này mang lại cho đời sống cộng đồng. Đây cũng là điều kiện để "múa Bát" - điệu múa độc đáo của đồng bào Tày lan tỏa, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa đồng bào vùng Đông Bắc của Tổ quốc./.
Công Luận