Bình Ðịnh: Phát huy giá trị tháp Chăm xứng tầm di tích

Cập nhật: 01/07/2022
Bình Ðịnh hiện còn 8 cụm/14 tháp Chăm. Những năm qua, tỉnh quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các tháp Chăm để bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời còn hướng tới mục tiêu phục vụ du lịch.

Các di tích tháp Chăm ở tỉnh Bình Định mang phong cách nghệ thuật độc đáo, được các nhà nghiên cứu nghệ thuật Champa trong và ngoài nước định danh là phong cách Bình Định.

Tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Nhuận

Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, tháp Chăm ở Bình Định là công trình kiến trúc cổ thu hút khách tham quan, nghiên cứu bởi quy mô lớn, kiến trúc bề thế, nghệ thuật điêu khắc đạt đến trình độ cao, cùng bí ẩn về kỹ thuật xây dựng tháp mà đến nay các nhà nghiên cứu chưa giải mã được. Hơn hai mươi năm qua, từ nhiều nguồn khác nhau, tỉnh ta đã đầu tư hơn 78 tỷ đồng để chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo để phát huy giá trị các di tích tháp Chăm. Nhiều tháp Chăm nằm ở vị trí thuận lợi như: Bánh Ít, Dương Long, Cánh Tiên, Tháp Đôi đã phát huy giá trị trong phục vụ du lịch, mỗi năm đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử.

Tháp Bình Lâm có niên đại đầu thế kỷ XI - là ngôi tháp có niên đại sớm nhất ở Bình Định được xây dựng vào giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định. Hiện nay huyện Tuy Phước đang đầu tư làm đường nối từ tỉnh lộ 640 vào tháp Bình Lâm với chiều dài khoảng 1.400 m, mặt đường rộng 9m, có hệ thống điện chiếu sáng, tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Hồng Thoại, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tuy Phước, cho biết: “Cùng với việc xây dựng đường dẫn vào tháp Bình Lâm, huyện cũng đã có kế hoạch xây dựng khu tái định cư để bố trí đất tái định cư cho 20 hộ dân thuộc diện giải tỏa để thực hiện việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch điểm đến tháp Bình Lâm gắn với làng hoa Bình Lâm theo phê duyệt của UBND tỉnh”.

Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng giao thông, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật, tháp Bánh Ít (ở huyện Tuy Phước) còn được tỉnh đầu tư hơn 23 tỷ đồng xây dựng nhà trưng bày kết hợp quản lý, khu nhà vệ sinh, tôn tạo đường giao thông phía Tây lên tháp; tôn tạo cảnh quan, nền sân các tháp trong giai đoạn 2021 - 2022.

Tháp Dương Long cũng đã được đầu tư kinh phí gia cố chống xuống cấp, tu bổ phục hồi phần mái, xây dựng tường rào, cổng ngõ, nhà vệ sinh phục vụ du khách tham quan. UBND tỉnh cũng đã trình Chính phủ đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, tôn tạo tháp Dương Long; đồng thời, giao huyện Tây Sơn thực hiện giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư 9 hộ dân để mở rộng khuôn viên tháp theo quy hoạch được phê duyệt…

Mới đây, trong chuyến kiểm tra thực tế công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích tháp Chăm tại tháp Dương Long, Bánh Ít, Bình Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhận xét: Bình Định sở hữu các di tích tháp Chăm mang vẻ đẹp độc đáo bậc nhất Việt Nam, nhưng việc khai thác các tháp Chăm vào mục đích du lịch đến nay còn chưa mạnh, chưa xứng tầm và chưa như các tỉnh bạn dù ta có nhiều ưu thế hơn. Tới đây, Sở VHTT sẽ phải chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các hạng mục, tạo sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với các tháp Chăm để phát huy giá trị. Việc tôn tạo phải thực hiện theo đúng quy định về nghiên cứu, khảo cổ, trùng tu, tôn tạo phải hết sức cẩn trọng vừa đảm bảo phát huy giá trị di tích, vừa gắn với khai thác du lịch”.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Giám đốc Sở VHTT Tạ Xuân Chánh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các, sở, ngành liên quan, các địa phương thực hiện công tác hoàn chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng để bảo vệ các di tích tháp Chăm; đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch, như: Biểu diễn võ thuật, hoạt động biểu diễn nghệ thuật Champa vào ban đêm, trưng bày hiện vật Champa tại các tháp... để phát huy hơn nữa giá trị các tháp Chăm ở tỉnh gắn với du lịch”.

8 cụm tháp Chăm với 14 tháp ở Bình Định gồm: Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước - 4 tháp), Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước - 1 tháp), Dương Long (xã Tây Bình và xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn - 3 tháp), tháp Đôi (TP Quy Nhơn - 2 tháp), Thủ Thiện (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn - 1 tháp), Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn - 1 tháp), Phú Lốc (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn - 1 tháp), Hòn Chuông (xã Cát Tài, huyện Phù Cát - 1 tháp), đều đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia; riêng tháp Dương Long được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Đoàn Ngọc Nhuận

Nguồn: Báo Bình Định - baobinhdinh.vn - Đăng ngày 01/07/2022