Ngân vang giai điệu núi rừng Tây Nguyên

Cập nhật: 30/06/2022
Dọc dài lịch sử, giữa không gian đại ngàn, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn vang vọng tiếng cồng chiêng rộn rã, tiếng đàn lúc trầm hùng khi thánh thót, các làn điệu dân ca đằm thắm mượt mà... Tuy nhiên, nguy cơ mai một âm nhạc dân gian khu vực này đang hiện hữu.

Cấp bách lưu giữ và truyền dạy

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bằng tài năng của mình đã sáng tạo và sở hữu kho tàng văn hóa riêng, trong đó có nghệ thuật âm nhạc vô cùng phong phú. Tại Tọa đàm “Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay” mới đây, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận định: Âm nhạc nổi lên như một thành tố chủ đạo, xuyên suốt trong tất cả hoạt động của con người nơi đây từ thủa mới lọt lòng mẹ cho đến lúc về với thế giới Atâu (thế giới thần linh - PV). Trong đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại là một giá trị tiêu biểu. Đó là một quá trình phát triển năng động và sáng tạo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong suốt chiều dài của lịch sử.

Nhạc sĩ Thu Huyền (Lâm Đồng) cho biết, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, bảo tồn âm nhạc dân gian nói riêng tại Lâm Đồng đã đạt được những kết quả quan trọng. Phát huy vai trò của mình, Đoàn Ca múa nhạc tỉnh và Trung tâm Văn hóa các huyện, thành phố đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn âm nhạc dân gian, kết hợp âm nhạc dân gian với âm nhạc hiện đại phục vụ khách du lịch, phục vụ các chương trình chính trị và lưu diễn cơ sở, tuyên truyền ý thức gìn giữ văn hóa dân gian, truyền thống đến nhân dân. Nhiều nhóm nghệ nhân được thành lập, hoạt động sôi nổi tại các làng, xã nhằm khôi phục, duy trì và truyền dạy âm nhạc dân gian...

Còn theo nhạc sĩ, NSƯT. A Đũh (Kon Tum), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum đã giao các huyện, thị trấn cùng các nghệ nhân tổ chức truyền dạy cồng chiêng, múa dân gian, dân ca tại các làng, xã, trường học. Hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên duy trì tổ chức liên hoan cồng chiêng, hát đàn dân ca… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, các văn nghệ sĩ ở Kon Tum đã và đang cố gắng khảo sát, điều tra, sưu tầm các thể loại âm nhạc của các dân tộc, đồng thời dựa vào chất liệu ấy để sáng tác thành ca khúc hoặc nhạc không lời… 

Tuy nhiên, thực tế là giới trẻ ngày càng có xu hướng chạy theo các thể loại âm nhạc thị trường, âm nhạc du nhập từ nước ngoài mà ít quan tâm đến âm nhạc dân gian. Với các thể loại nhạc dân ca gần gũi trong sinh hoạt đời thường của đồng bào ở một số plei (làng), một số người chỉ nhớ giai điệu, không nhớ lời ca, hoặc ngược lại, cũng có một số người không biết dân ca của dân tộc mình, nhất là giới trẻ. 

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, văn hóa nói chung, âm nhạc dân gian nói riêng đã và đang mất dần hoặc biến dạng. Văn hóa dân gian được lưu giữ trong trí nhớ và được truyền miệng, các nghệ nhân chủ yếu ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe yếu, trí nhớ giảm sút, nguy cơ mai một di sản dân tộc ngày càng rõ. Vì vậy, việc điều tra, sưu tầm, lưu giữ và truyền dạy trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Ngân vang giai điệu núi rừng Tây Nguyên - Ảnh: tuyengiao.vn

Đào tạo bài bản, tăng cường quảng bá

Để âm nhạc dân gian Tây Nguyên tiếp tục phát triển, tỏa sáng trong nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thu Huyền kiến nghị đầu tư đúng mức, bảo tồn âm nhạc dân gian một cách bài bản, chiến lược và phù hợp với thực tiễn thông qua công tác đào tạo chính quy, chuyên sâu trong nhà trường. “Cần đào tạo con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng Tây Nguyên am hiểu và sử dụng thuần thục các kỹ năng cơ bản trong diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc, cũng như các thể loại âm nhạc dân gian khác một cách có hệ thống, bài bản. Do đó, việc mở Trường nghệ thuật với chuyên ngành đào tạo âm nhạc dân gian tại Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng là hết sức cần thiết, hướng đến đào tạo thế hệ trẻ có năng khiếu, có niềm đam mê, trực tiếp thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Trong khi đó, NSƯT A Đũh đề xuất tổ chức các hội diễn, liên hoan từ cơ sở đến khu vực, Trung ương, và có chế độ chính sách để khuyến khích, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Các tỉnh xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù đối với nghệ nhân đang nắm giữ di sản âm nhạc. Bên cạnh đó, tăng cường công tác sưu tầm, biên soạn, phổ biến văn hóa dân gian đang mai một và truyền bá rộng rãi loại hình âm nhạc này, đặc biệt là các điệu yal yau, dân vũ… đến với công chúng. Đưa vào chương trình giáo dục trong các cấp những giờ dạy nhạc để học sinh, sinh viên được tìm hiểu, nắm bắt về kho tàng văn hóa, âm nhạc các dân tộc Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng, biên soạn nội dung chương trình giảng dạy cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương. 

Những năm qua, nhiều tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn vùng đất huyền thoại này đã vươn xa và đến gần hơn với công chúng mọi miền đất nước. Những ca khúc của nhạc sĩ Quang Dũng, Y Phôn Ksor, Linh Nga Niê Kdăm, Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Ngọc La Sơn..., những người từng sống, gắn bó cả cuộc đời ở vùng đất này, đã và đang là niềm tự hào của người yêu nhạc, yêu văn học Tây Nguyên. Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk Niê Thanh Mai góp ý, ngoài những người tâm huyết, say mê, trăn trở với vùng đất Tây Nguyên, các địa phương, cơ quan chuyên ngành cần có giải pháp về cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ sĩ, nhạc sĩ, người làm văn hóa có thêm điều kiện phát huy khả năng tìm tòi, sáng tác thêm được những tác phẩm hay từ di sản âm nhạc của vùng đất giàu truyền thống này.

Ngọc Phương

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân - daibieunhandan.vn - Đăng ngày 29/06/2022