Làng du lịch sinh thái cộng đồng (còn gọi là làng chài) Việt Hải là ngôi làng cổ được hình thành từ hơn 1 thế kỷ trước. Làng chài này nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng). Tới đây, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương, được trở về với thiên nhiên trong lành nhờ hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Đây hiện là một trong những điểm đến “xanh” với nhiều trải nghiệm hấp dẫn ngày càng được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn cho hành trình của mình.
Du khách trải nghiệm dịch vụ cá massage chân tại Làng du lịch sinh thái cộng đồng Việt Hải.
Ngôi làng “đảo trong đảo”
Để đến được Làng du lịch sinh thái cộng đồng Việt Hải, du khách chỉ có hai lựa chọn di chuyển khá đặc biệt. Một là đi bộ xuyên qua khu vực rừng nguyên sinh nằm trong khu bảo tồn nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Cát Bà trong khoảng 6 - 7 tiếng đồng hồ để vượt 10km đường rừng. Hai là đi tàu hoặc ca nô từ bến Bèo vượt qua vịnh Lan Hạ để đến với làng chài này. Cả hai cách di chuyển trên đều mang lại cho du khách những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn, thú vị.
Làng du lịch sinh thái cộng đồng Việt Hải có diện tích 141ha, là nơi sinh sống của 90 hộ dân với nghề chính là làm nông và đánh bắt thủy hải sản. Nhờ sở hữu hệ sinh thái phong phú với địa hình đa dạng gồm núi non, rừng, biển và hệ thống đảo bao quanh nên Việt Hải còn được biết tới như là ngôi làng “đảo trong đảo”. Đến với Việt Hải, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh xanh mướt của núi non, rừng già, đặc biệt là con đường nhỏ uốn lượn mềm mại như dải lụa chạy giữa một bên là bờ biển xanh màu ngọc bích, một bên là sườn núi đá vôi. Nhiều du khách gọi đây là “con đường màu xanh”, bởi từ bến thuyền càng đi sâu vào phía làng, màu xanh của cây cối, ao, vịnh càng trải dài và mở rộng trước mắt du khách, tạo nên khung cảnh thanh bình, yên tĩnh hiếm có. Màu xanh ấy được người dân gìn giữ bằng cách phần lớn đều sử dụng các phương tiện di chuyển là xe đạp và xe điện để bảo vệ môi trường. Đây là “điểm cộng” lớn của Cát Bà trong mắt du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Cho dù trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nhịp sống ở ngôi làng chài cổ này bao năm qua vẫn luôn giữ được sự thanh bình vốn có. Người dân nơi đây vẫn giữ được sự chất phác, hồn hậu mà phóng khoáng, hiếu khách. Có lẽ hiếm ngôi làng nào an toàn và giữ được an ninh trật tự tốt như Việt Hải khi người dân ngủ không cần khóa cửa nhà, để xe máy ven đường không phải rút chìa khóa; tình trạng mất cắp đồ đạc hay các tệ nạn xã hội hầu như không có. Bởi thế mà du khách “rỉ tai” nhau và tìm đến Việt Hải ngày càng đông. Nếu như mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 9) là dịp cao điểm khách nội địa thì từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, người ta thường gặp du khách quốc tế nhẩn nha đạp xe, đi dạo quanh làng, thăm những ngôi nhà cổ kiểu nhà tranh vách đất tiêu biểu của vùng nông thôn Bắc Bộ, chèo thuyền, bắt cá hay trekking lên ngọn đồi Hải Quân cao 700m so với mực nước biển... Sau chuỗi hoạt động thú vị ấy, du khách sẽ nghỉ ngơi thư giãn bên dòng suối mát lành và trải nghiệm massage chân với sự “chăm sóc” tận tình của những “nhân viên” cá tinh nghịch. Hầu hết du khách đến Việt Hải đều không thể bỏ qua trải nghiệm thú vị này.
Đổi thay nhờ phát triển du lịch
Làng du lịch sinh thái cộng đồng Việt Hải nằm trên địa bàn xã đảo Việt Hải, là vùng sâu, vùng xa của thành phố Hải Phòng, do đó, còn nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông và hệ thống lưu trú để phát triển du lịch mặc dù nơi đây sở hữu rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Những năm gần đây, nhờ được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự thay đổi về nhận thức, các hộ gia đình ở Làng du lịch sinh thái cộng đồng Việt Hải đã đầu tư, chuyển đổi từ mô hình canh tác nông nghiệp sang phát triển dịch vụ nhà hàng ăn uống, vận chuyển, cho thuê xe đạp, chèo thuyền và kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay để cải thiện nguồn sinh kế.
Anh Mai Phú Doan, Quản lý Whisper Nature Bungalow and Resort (xóm 1, xã Việt Hải), một trong những người đầu tiên làm homestay ở Việt Hải chia sẻ: “Hiện nay, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Việt Hải có gần 10 hộ làm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, các hộ khác cũng tham gia kinh doanh các loại hình dịch vụ để phục vụ du khách. Sau khoảng 16 năm phát triển, du lịch đã giúp làng chài “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể. Sau dịch Covid-19, lượng khách du lịch nội địa đến với làng nhiều hơn trước khiến “cán cân” về lượng khách nội địa - quốc tế trở nên cân bằng, giúp cho việc phát triển du lịch tại đây trở nên bền vững hơn”.
Bà Ranee Sequeira, du khách Australia cùng chồng đến Làng du lịch sinh thái cộng đồng Việt Hải đã bày tỏ sự thích thú sau những trải nghiệm hấp dẫn tại đây: “Chúng tôi đã từng đạp xe ở Bali (Indonesia) hay trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Campuchia, Myanmar... nhưng cảm giác khi đến đây khác hẳn. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước thiên nhiên hoang sơ cùng ngôi làng đậm chất nông thôn Việt Nam. Người dân nơi đây luôn thân thiện, mến khách khiến tôi cảm thấy thực sự thoải mái. Tôi cũng rất ấn tượng với các món ăn được làm từ những nông sản do chính tay người dân địa phương trồng, thu hoạch và chế biến. Chúng tôi sẽ kể lại với bạn bè mình về chuyến đi thú vị này và sẽ cùng họ quay trở lại đất nước của các bạn trong thời gian tới”.
Bài và ảnh: Mỹ An