Dân tộc Bru Vân Kiều gồm các nhóm địa phương: Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong. Với dân số gần 95 nghìn người (theo số liệu Điều tra 53 DTTS năm 2019), người Bru Vân Kiều sống ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thuộc miền Tây các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình.
Đồng bào Bru - Vân Kiều làm lễ trỉa lúa
Đồng bào Bru Vân Kiều nói ngôn ngữ Môn- Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), gần giống tiếng nói của người Tà Ôi, Cơ Tu. Chữ viết mới hình thành theo cách phiên âm bằng chữ cái Latinh. Giữa các nhóm có một số từ vựng không giống nhau.
Người Bru Vân Kiều thường chọn những khoảng đất tương đối bằng phẳng làm nơi cư trú. Nhà có sàn cao, mái tròn ở đầu hồi, dựng quây quần quanh sân chung của làng. Lối kiến trúc truyền thống này ít nhiều còn được duy trì đến ngày nay.
Nhà ở của đồng bào Bru - Vân Kiều
Hoạt động sản xuất của đồng bào Bru Vân Kiều chủ yếu là canh tác rẫy, trồng lúa; sử dụng các nông cụ đơn giản: rìu, dao quắm, gậy trỉa, cái nạo cỏ có lưỡi cong. Ngoài trồng các giống lúa tẻ, nếp, còn trồng sắn, bầu, chuối, cà, dứa, khoai mía v.v...
Trong quá trình canh tác lúa rẫy, người Bru Vân Kiều có nhiều lễ cúng khác nhau nhằm cầu mùa, gắn với các khâu, phát, trỉa và thu hoạch. Ðặc biệt lễ thức trước dịp trỉa lúa diễn ra như một ngày hội của dân làng. Tết đến từng làng sớm muộn khác nhau, nhưng đều vào thời gian sau kỳ tuốt lúa.
Nghề thủ công chủ yếu là đan lát và dệt vải. Ðan lát là công việc dành riêng cho đàn ông. Sản phẩm chú yếu là các loại gùi, giỏ và nhiều đồ gia dụng cần thiết khác. Chiếc gùi được đan bằng mây, dùng vào việc đi lấy củi, lấy nước... phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.
Trước khi biết đến nghề trồng bông, đay để xe sợi dệt vải thì người Bru-Vân Kiều đã sử dụng những vỏ cây rừng đập lấy xơ để tạo ra trang phục. Những chiếc áo, khố bằng vỏ cây a mưng (theo tiếng gọi của người Bru Vân Kiều) hiện vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Trị.
Trước đây người Bru Vân Kiều sinh sống bằng cách săn bắn và trồng trọt nên nam giới thường ở trần và đóng khố để phù hợp với những sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, phụ nữ Bru Vân Kiều thường mặc váy dài quá gối từ 20-25 cm. Có nhóm mặc áo chui đầu, không tay, cổ khoét hình tròn hoặc vuông. Có nhóm nữ đội khăn bằng vải quấn thành nhiều vòng trên đầu rồi thả sau gáy, cổ đeo hạt cườm, mặc áo cánh xẻ ngực, dài tay màu chàm cổ và hai nẹp trước áo có đính các "đồng tiền" bạc nhỏ màu sáng, nổi bật trên nền chàm đen tạo nên phong cách, thẩm mỹ riêng cho trang phục.
Cùng với y phục, trang sức truyền thống góp phần tôn lên vẻ đẹp rực rỡ của người Người Bru Vân Kiều. Ðồ trang sức thường đeo là các loại vòng ở cổ, tay, khuyên tai. Chính vì thế, những chuỗi cườm, khuyên tai, vòng đeo tay, vòng cổ… được truyền từ đời này sang đời khác, là vật kỷ niệm thiêng liêng của người Bru Vân Kiều. Xưa đàn ông, đàn bà đều búi tóc, riêng thanh nữ búi lệch tóc về phía bên trái, khi đã có chồng tóc được búi trên đỉnh đầu.
Hôn nhân của người Bru Vân Kiều vô cùng độc đáo. Sính lễ nhà trai tặng cho nhà gái không thể thiếu thanh kiếm và chiếc nồi đồng. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng còn phải làm "lễ cưới" lần thứ 2 khi có điều kiện về kinh tế, gọi là lễ Khơi, để người vợ chính thức được coi là thành viên dòng họ nhà chồng.
Đối với tang ma, người Bru Vân Kiều cũng có tục bỏ mả như các dân tộc ở khu vực Trường Sơn Tây Nguyên. Người Bru Vân Kiều chú trọng thờ cúng tổ tiên. Họ rất tin vào các "thần linh" (Yang): thần lúa, thần bếp lửa, thần núi, thần đất, thần sông nước v.v...
Đồng bào Bru Vân Kiều căn cứ vào mặt trăng để định ra các ngày và tên ngày trong tháng. Mỗi năm, lịch nông nghiệp Bru Vân Kiều gồm 10 tháng, tiếp đến thời kỳ nghỉ ngơi trước khi bước vào mùa rẫy mới.
Một số nhạc cu của đồng bào Bru - Vân Kiều
Người Bru Vân Kiều có nhiều truyện cổ được truyền miệng, kể về sự tích các dòng họ, nguồn gốc dân tộc, về đề tài người mồ côi v.v... Có các điệu hát như: Oát là loại hát đối đáp giao duyên. Prdoak là hát chúc vui, chúc tụng khi có việc mừng. Xươt là hát vui trong các sinh hoạt vui đùa đông người. Roai tol, Roai trong là loại hát kể lể nặng nề, oán trách. Adâng kon là hát ru trẻ con….Nhạc cụ phổ biến là: cồng, chiêng, đàn Achung, Plư, Ta-lư, kèn Amam, Ta-ral, khèn Pi, nhị, đàn môi, trống, sáo...
Nếu trước đây, đồng bào Bru Vân Kiều sống chủ yếu vào nghề đi rừng, duy trì tập quán du canh, du cư thì từ năm 2018, khi Chính phủ có chủ trương đóng cửa rừng, người dân đã thay đổi thói quen canh tác, sinh sống tập trung. Cùng với đó nhờ các chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước và khát vọng vươn lên của đồng bào, hiện nay 100% người Bru Vân Kiều đã có nhà “an cư”, tập trung sản xuất để ổn định và nâng cao đời sống. Nơi dãy Trường Sơn hùng vĩ xuất hiện ngày càng nhiều hộ người Bru Vân Kiều sản xuất, chăn nuôi, làm kinh tế giỏi vươn lên làm giàu, là tấm gương cho các hộ khác noi theo.
Cát Tường