Tại Quảng Ngãi, xu hướng phát triển du lịch cộng đồng đang được quan tâm phát triển. Điều này góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương, hình thành các dịch vụ trải nghiệm du lịch cộng đồng mới ở vùng nông thôn và tạo thêm sinh kế cho nông dân.
Làng du lịch Gò Cỏ
Làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) có 83 hộ dân sinh sống. Mấy năm nay, Gò Cỏ được biết đến như là một điểm du lịch cộng đồng hoang sơ, kỳ bí - nơi du khách được trải nghiệm một không gian sống cổ xưa, với các di tích đền thờ, miếu, giếng cổ, những bức tường đá. Ngoài ra, nơi đây còn có các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Việc mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch cộng đồng tại Gò Cỏ đã cải thiện sinh kế, đời sống của người dân nơi này.
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng của làng Gò Cỏ tại buổi tọa đàm khởi nghiệp với du lịch cộng đồng.
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng của làng Gò Cỏ tại buổi tọa đàm khởi nghiệp với du lịch cộng đồng.Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều cho biết, HTX được thành lập vào tháng 4/2019. Sau hơn 2 năm thành lập, HTX đã xây dựng được 15 homestay đủ điều kiện đón khách lưu trú, 5 thuyền nan phục vụ khách tham quan trên biển gần bờ, 5 hướng dẫn viên đã qua đào tạo, 8 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Du khách đến đây còn được trải nghiệm các hoạt động như: Đan lưới, nấu ăn, làm nông dân và tham gia các trò chơi dân gian. Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận điểm du lịch 3 sao theo tiêu chí của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng cư dân sống ở Gò Cỏ.
“Chúng tôi xác định, muốn khởi nghiệp, trước tiên phải bắt đầu từ cái tâm, hướng đến cộng đồng và phát triển bền vững. Hợp tác xã đã định hướng cho mọi người đi theo lợi ích chung, không vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng xấu tới cả cộng đồng. Bây giờ người dân trong làng đã nhận thức, hưởng ứng và tích cực tham gia làm du lịch. Sản phẩm du lịch Gò Cỏ là những gì thiên nhiên, tổ tiên chúng tôi để lại, cùng với sự phát huy nội lực của cả cộng đồng”, bà Kiều chia sẻ.
Hiện nay, HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ đang hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền công nhận làng Gò Cỏ đạt 4 sao OCOP trong thời gian tới. Đồng thời, đặt mục tiêu xây dựng làng Gò Cỏ trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.
Gắn phát triển nông nghiệp với du lịch
Nằm dọc theo con sông Phước Giang, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) là vùng quê thanh bình, được thiên nhiên ban tặng suối nước nóng, có nhiều vườn cây ăn quả và các nghề truyền thống như: Trồng dâu nuôi tằm, gói bánh chưng, bánh ít, bánh su sê. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành Đoàn Phú Việt Nam, HTX có thời gian “thai nghén” từ rất lâu, nhưng mới thành lập được 3 tháng. Hiện HTX đã tổ chức được một vài sự kiện, đón các đoàn khách là học sinh, sinh viên đến trải nghiệm. Địa phương chú trọng phát triển 4 sản phẩm là trái cây, nghề nuôi dâu tằm, làm bánh truyền thống và du lịch tâm linh để thu hút du khách đến trải nghiệm.
Tuy nhiên hiện nay, phần lớn sản phẩm du lịch là sản phẩm hiện có của người dân, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành vẫn chưa xây dựng được sản phẩm chủ lực. Do vậy, HTX muốn mở rộng liên kiết du lịch với huyện Minh Long và phát triển thêm các sản phẩm du lịch quanh năm, kể cả mùa mưa. Đầu năm 2022, Sở VH-TT&DL phối hợp với huyện Nghĩa Hành triển khai dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với cộng đồng tại thôn Bình Thành, xã Hành Nhân”. Đây là cơ hội tốt để Bình Thành xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, gìn giữ và phát huy bản sắc miệt vườn truyền thống của địa phương.
Cần có kế hoạch phát triển bài bản
Du lịch cộng đồng không chỉ phát huy thế mạnh văn hóa địa phương, mà còn góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển loại hình du lịch này vẫn còn manh mún. Như tại các khu vực Gành Yến, bàu Cá Cái, rừng dừa nước Cà Ninh, làng gốm Mỹ Thiện (Bình Sơn)... hình thức du lịch cộng đồng đã hình thành, nhưng hầu hết đều ở dạng tự phát, rời rạc, thiếu kết nối. Người dân xưa nay chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chứ chưa quen với làm du lịch. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch cộng đồng cũng còn hạn chế, khiến du lịch cộng đồng chưa phát huy hết tiềm năng.
Chuyên gia đổi mới sáng tạo Trương Thanh Hùng - Giám đốc Điều hành FiNNO Group, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp Quốc gia cho rằng, du lịch cộng đồng là du lịch khai thác những giá trị văn hóa bản địa do cộng đồng là người dẫn dắt. Do vậy, mỗi người dân tại địa phương phải là đại sứ về du lịch thì mới làm được du lịch cộng đồng. Dù du lịch cộng đồng là đưa du khách trải nghiệm đời sống tại địa phương, nhưng khi đã trở thành sản phẩm du lịch vẫn cần tuân thủ các điều kiện nhằm bảo đảm cho sự phát triển. Chính quyền các địa phương cần có định hướng, kế hoạch phát triển bài bản, khoa học và thiết thực, tạo cơ sở xây dựng chính sách phù hợp, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển du lịch một cách bền vững.
Ngoài ra, các cấp, ngành cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng, chủ động đa dạng hóa các dịch vụ đi kèm, mở rộng liên kết với các địa phương khác để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, tăng cường hoạt động quảng bá, tiếp thị. Đồng thời, huy động được sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trên địa bàn như y tế, đoàn thanh niên, lực lượng an ninh... cùng tham gia hỗ trợ người dân để hoạt động du lịch thật sự phát huy hiệu quả.
Bài, ảnh: Phương Dung