Với những giá trị di sản thiên nhiên ngoại hạng toàn cầu đã được UNESCO hai lần công nhận, Vịnh Hạ Long mang vị trí quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn cho ngành du lịch nói riêng, sự phát triển và hiện đại hóa của địa phương nói chung, việc khai thác, bảo tồn, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long cũng đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương để phát triển di sản thiên nhiên thế giới theo hướng bền vững.
Hiện nay, Vịnh Hạ Long chịu nhiều áp lực lớn về môi trường. Bên cạnh các áp lực tại chỗ trên vịnh (như hoạt động giao thông, cảng biển, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, sinh cư trên mặt nước), các hoạt động ven vịnh rộng lớn và trên các lưu vực đổ vào vịnh (bao gồm các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, công nghiệp, khai khoáng, du lịch - dịch vụ và sinh hoạt) đã gây ra những áp lực lớn lên môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long.
Du khách được hướng dẫn và tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long khi tham quan làng chài Cửa Vạn. Ảnh: Tạ Quân
Theo kết quả quan trắc cho thấy, tại các khu vực tập trung nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường nước của Vịnh Hạ Long đang bị ô nhiễm amoni và phốt phát do nước thải của các phương tiện tàu thuyền, các nhà hàng, khách sạn, chợ dân sinh, khách tham quan du lịch, hoạt động nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt của người dân chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra vịnh. Đặc biệt, tại khu vực luồng giữa Cửa Lục, Thiên Cung - Đầu Gỗ, làng chài Ba Hang, làng chài Hoa Cương, luồng khu Hòn Một, Đảo Titop, khu nghỉ đêm Cát Lán, nghỉ đêm Hang Luồn, Bồ Nâu - Sửng Sốt, làng chài Cửa Vạn, làng chài Vông Viêng, luồng khu Đông Tráng, luồng Cửa Ông...
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có sự quan tâm, nỗ lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, làm thay đổi và chuyển biến tích cực đối với các cấp chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp và khách du lịch. Theo đó, tại các hang động, điểm tham quan, khu vực từ bến cập tàu, trên đường dẫn khách tham quan được bố trí thùng rác có nắp đậy, đảm bảo vệ sinh, thẩm mỹ. Rác thải trên bờ hay rác trên mặt nước được nhân viên vệ sinh thu gom thường xuyên và vận chuyển ra ngoài đầu bến vào cuối ngày để đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển về bờ xử lý. Nước thải được thu gom vào hệ thống bể chứa tự hoại...
Ngoài ra, công tác phòng, chống rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, đặc biệt yêu cầu sự vào cuộc nghiêm túc của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh. Nhờ đó, đến nay đã giảm trên 90% rác thải nhựa trong các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long.
Để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long gắn với phát triển du lịch bền vững, theo PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện 5 nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý bền vững du lịch; nhóm giải pháp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; nhóm giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển bền vững; nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng cho phát triển du lịch bền vững và nhóm giải pháp quản lý, giám sát và kiểm soát môi trường, hoạt động du lịch.
Theo đó, cần phát triển một hệ thống quản lý lịch trình tàu du lịch cho Vịnh Hạ Long; áp dụng mức trần giới hạn số lượng tàu thuyền trên Vịnh Hạ Long, để giải quyết tình trạng quá tải tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long như hiện nay. Từ đây, góp phần làm gia tăng giá trị trải nghiệm cho khách du lịch - tạo cảm giác riêng tư - đồng thời bảo vệ môi trường tự nhiên. Cùng với đó, tỉnh cần rà soát các loại quy hoạch, kế hoạch đầu tư, bảo tồn liên quan đến khu vực nhằm xác định những giải pháp bảo đảm thống nhất, đồng bộ điều phối các hoạt động đầu tư xây dựng đô thị, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng, bảo vệ môi trường cảnh quan du lịch.
Đồng thời, xây dựng mô hình hệ sinh thái du lịch thông minh bền vững, gắn liền với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thêm nữa, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trong cung cấp dịch vụ du lịch; đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực du lịch.
Đoàn chuyên gia tìm hiểu thông tin về các tuyến, điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long trong một chuyến khảo sát. Ảnh: Phan Hằng
Bên cạnh các nhóm giải pháp đề xuất nêu trên, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cần sớm tham mưu cho UBND tỉnh thành lập khu bảo tồn thiên nhiên cho vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long và xây dựng đề án bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững Vịnh Hạ Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - PGS.TS. Lưu Thế Anh cho biết thêm.
Duy Khoa