Ngày 28/7, tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), Tỉnh ủy Lào Cai phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học về phát triển bền vững du lịch cộng đồng ở Sa Pa, nhằm đề ra định hướng và giải pháp khai thác, phát triển bền vững du lịch cộng đồng các dân tộc thiểu số ở địa phương.
Điểm du lịch cộng đồng Cát Cát ở Sa Pa thu hút du khách trong và ngoài nước.
Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo tại Sa Pa 1998-2000) và Tổ chức Bánh mì thế giới (hỗ trợ xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm tại 2 xã Bản Hồ và San Sả Hồ, thị xã Sa Pa). Sau 2 năm đi vào vận hành, mô hình du lịch cộng đồng đã được chứng minh hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở địa phương.
Để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Sa Pa, UBND tỉnh Lào Cai đã công nhận 3 tuyến và 14 điểm du lịch cộng đồng và di tích danh thắng ở địa phương. Tính đến hết tháng 7/2022, Sa Pa có 362 cơ sở kinh doanh homestay, 126 cơ sở dịch vụ ăn uống tại các điểm du lịch cộng đồng; 157 cơ sở quà tặng lưu niệm, 39 dịch vụ tắm thuốc và 222 dịch vụ khác. Các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Sa Pa luôn thu hút từ 800.000-1.400.000 lượt khách/năm; trong đó, đông nhất là điểm du lịch làng nghề Cát Cát, thung lũng Mường Hoa và Tả Phìn.
Tuy nhiên, do một thời gian dài hoạt động tự phát, các điểm du lịch cộng đồng Sa Pa còn lộn xộn, thiếu quy hoạch, chưa được sắp xếp bố trí hợp lý với tỷ lệ hài hòa giữa các phân khu dịch vụ, không gian sống và không gian xanh. Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã mới chỉ khai thác dịch vụ ăn, nghỉ và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch, còn thiếu các hoạt động thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương. Các nghề thủ công truyền thống mới chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm nên chưa tạo được sức lan tỏa. Một số hoạt động du lịch đang làm biến dạng các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số (kiến trúc, trang phục, phong tục, lối sống...).
Tại hội thảo đã có 4 tham luận và nhiều ý kiến thảo luận trực tiếp tập trung làm rõ một số nội dung phát triển du lịch cộng đồng tại Sa Pa gắn với tỉnh Lào Cai và cả nước. Theo đó, cần quy hoạch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao, trong đó ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng thiên nhiên, văn hóa của Khu du lịch quốc gia Sa Pa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, bảo đảm tính bền vững, có khả năng thu hút khách chi tiêu cao và khách trở lại nhiều lần.
Cụ thể, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc Sa Pa với chủ đề “Sa Pa-Xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”. Hình thành 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã gồm: Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông, Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Phù Lá (nhóm ngành Xá Phó), Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy.
Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025, thúc đẩy người dân đầu tư phát triển du lịch cộng đồng (bao gồm các chính sách liên quan đến bảo tồn văn hóa: trang phục, nhà truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc); có cơ chế để chia sẻ lợi ích cho cộng đồng từ phát triển du lịch cộng đồng (hỗ trợ thúc đẩy thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết phát triển du lịch).
Theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Vương Trinh Quốc, mục tiêu là đến năm 2025, du lịch cộng đồng Sa Pa sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở địa phương và sản phẩm du lịch cộng đồng Sa Pa khẳng định được thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, đạt tiêu chuẩn châu Á (tiêu chuẩn ASEAN), trở thành mô hình du lịch cộng đồng đặc trưng, tiêu biểu ở Việt Nam.
Quốc Hồng