Bên cạnh việc nâng cao nhận thức và sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội, để bảo đảm sự đa dạng sinh học và phát triển bền vững miền Trung và Tây Nguyên, đòi hỏi phải có các cơ chế khuyến khích, thiết lập, thúc đẩy xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Hội thảo khoa học “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên lần thứ III” vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (GreenViet) và Nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy “Môi trường và tài nguyên sinh vật” thuộc Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) đồng tổ chức tại TP biển Đà Nẵng.
TS.KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo.
Nhiều vấn đề bảo vệ môi trường bền vững được quan tâm
Tại Hội thảo, hơn 150 đại biểu trong và ngoài nước, gồm các nhà khoa học, nhà bảo tồn, nhà quản lý đến từ các tổ chức xã hội, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... đã thảo luận, tình bày kết quả từ nhiều công trình nghiên cứu có liên quan xoay quanh chủ đề mà Hội thảo quan tâm.
Theo Ban tổ chức, với chủ đề “Tương lai cho phục hồi các hệ sinh thái trọng điểm và bảo tồn các loài nguy cấp”, Hội thảo thực sự là một diễn đàn khoa học, là nơi chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến những mô hình tốt và đặc biệt là đề xuất các chính sách thiết thực, góp phần phục hồi các hệ sinh thái trọng điểm và bảo tồn các loài nguy cấp; giải quyết có tính triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải; triển khai các các chương trình dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái như trồng 1 tỷ cây xanh (do Thủ tướng Chính phủ phát động), phục hồi hệ sinh thái theo phương pháp tiếp cận cảnh quan; nỗ lực thu gom rác thải ven bờ hay trên mặt nước biển, ao hồ, phục hồi thảm thực vật tại các vùng đất ngập nước; kiểm soát và hướng các hoạt động đánh bắt thủy hải sản theo hướng bền vững và khuyến khích các chương trình, công trình bảo vệ môi trường vì lợi ích chung của cộng đồng, có sự chung tay của cộng đồng ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Cùng với ý nghĩa thiết thực trên, Hội thảo cũng là dịp để kêu gọi mỗi người dân trở thành một nhân tố của quá trình bảo vệ môi trường, là chủ thể của nhiều hoạt động hữu ích như tiết kiệm tài nguyên trong sinh hoạt, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, hạn chế thải rác là sản phẩm từ nhựa ngay từ hộ gia đình mình; thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn; không buôn bán, tiêu thụ, săn bắt, nuôi nhốt trái phép các loài động vật hoang dã; tuân thủ các quy định về hành vi bảo vệ môi trường khi đi du lịch. Đặc biệt, giáo dục sớm ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ trẻ.
Những cảnh báo đỏ về bảo tồn đa dạng sinh học
Ông Nguyễn Đình Phúc – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng, một trong các đại diện chủ trì Hội thảo nhận định: Từ chủ đề “Tương lai cho phục hồi các hệ sinh thái trọng điểm và bảo tồn các loài nguy cấp” mà Hội thảo đặt ra, rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận được các đại biểu trình bày đã tập trung làm rõ thực trạng công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại nhiều địa bàn trên cả nước, trong đó trọng tâm và tập trung nhất là tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Trong đó, ngày từ phiên khai mạc, các đại biểu đã “bắt nhịp” và chia sẻ ngay thông điệp mà chủ đề Hội thảo đã nêu, đồng thời cảnh báo: Việt Nam là quốc gia tuy có tính đa dạng sinh học cao với gần 12.000 loài thực vật có mạch, 330 loài thú, 918 loài và phân loài chim, 517 loài bò sát, gần 3.000 loài cá. Tuy nhiên, với các áp lực đe dọa chính như: mất rừng và suy thoái sinh cảnh sống, suy giảm quần thể, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, loài ngoại lai, săn bắn, bẫy bắt… Đặc biệt, việc sử dụng tài nguyên không hợp lý đã đe dọa đến 58,5% loài thực vật và 86,1% loài động vật; hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đe dọa đến 52% số loài thực vật và 39,3% loài động vật; phát triển khu dân cư và cơ sở hạ tầng đã đe dọa đến 49,3% loài động vật. Số loài bị đe dọa cấp độ toàn cầu phân bố ở Việt Nam theo Danh mục Đỏ IUCN (2021) là 891 loài động vật và 367 loài thực vật.
Tại khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ, các nghiên cứu cũng chỉ ra là tại đây có tới 36 khu vực đa dạng sinh học trọng yếu, hơn 3,76 triệu ha rừng tự nhiên, nhiều trung tâm đặc hữu thực vật, chim, bò sát, ếch nhái với nhiều loài đặc hữu. Ước tính sơ bộ hơn 5.000 loài thực vật; có ít nhất 142 loài thú, 448 loài chim, hơn 120 loài bò sát và 84 loài lưỡng cư.
Một số đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học quốc tế tham dự Hội thảo.
Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu - Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật Đại học Đà Nẵng (DN-EBR), Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng: “Nhìn bao quát toàn khu vực, miền Trung Việt Nam cơ bản có nhiều đồi núi lấn sát ra biển, chia cắt các đồng bằng nhỏ hẹp. Miền Trung là một trong ba vùng của Việt Nam, được bao bọc bởi những dãy núi chạy dọc bờ phía Tây và sườn bờ biển phía Đông, vùng có chiều ngang theo hướng Đông - Tây hẹp nhất Việt Nam (khoảng 50 km, nằm ở tỉnh Quảng Bình). Với địa hình đa dạng, tiếp giáp với các kiểu khí hậu khác nhau, giao thoa giữa đất liền và đại dương… nên có độ đa dạng sinh cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều lý do khác nhau, đa dạng sinh học có nguy cơ suy giảm đáng báo động, rất cần sự chung tay bảo vệ”.
Đưa ra lời cảnh báo về sự suy giảm của thảm cỏ biển, PGS.TS Hoàng Công Tín (Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Trưởng Nhóm nghiên cứu mạnh về Tài nguyên, môi trường và sinh thái vùng ven biển, Đại học Huế) cho biết: “Độ đa dạng loài của các thảm cỏ biển ở miền Trung tương đối cao (8 loài cỏ biển) so với tổng số 15 loài cỏ biển đã được xác định ở Việt Nam. Trong số đó, loài H.beccarii ở Cửa Đại và đầm Cầu Hai đã được IUCN xếp vào danh sách Đỏ - có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, diện tích các thảm cỏ biển được ước tính lớn nhất tại đầm Cầu Hai với khoảng 402,5 ha, theo sau là khu bảo tồn biển Lý Sơn và vịnh Vân Phong với diện tích tương ứng là 324,2 ha và 332,1 ha. Đầm Lăng Cô ghi nhận diện tích thảm cỏ biển thấp nhất với 42,57 ha.
So sánh các nghiên cứu trước đây (tiêu biểu là nghiên cứu của tác giả Nguyễn Xuân Hòa, Cao Văn Lương, năm 2006), ghi nhận diện tích phân bố của các thảm cỏ biển tại các khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình; có thể nhận thấy rằng vùng biển ven bờ miền Trung là một trong những khu vực có thảm cỏ biển phong phú và đa dạng nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, diện tích thảm cỏ biển ở miền Trung đang có xu hướng bị suy giảm nghiêm trọng với số lượng và tần suất các cơn bão ngày càng tăng lên. Khi bão nhiệt đới vào bờ sẽ gây xáo trộn ở những tầng đất phía dưới thảm cỏ biển, ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng. Tại đảo Lý Sơn, các cơn bão và các đợt sóng lớn như cơn bão số 9 vào tháng 11/2018; bão số 1 vào tháng 1/2019 đã đánh bật rễ cỏ biển nên phần lớn bộ rễ của các loài cỏ biển có xu hướng phân bố phía trên mặt.
Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, quá trình đô thị hóa và sự biến động các thảm thực vật trên đất liền cũng gây ảnh hưởng lớn đến thảm cỏ biển ở phía dưới các thủy vực. Diện tích thảm cỏ biển tại đầm Cầu Hai, khu vực Cửa Đại và đầm Lăng Cô cũng chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển của các khu du lịch và công trình xây dựng như xây dựng nơi trú bão của tàu thuyền, cảng biển, bờ đê, bến thuyền du lịch, nuôi trồng thủy sản, nhà hàng và đường giao thông.
Theo nghiên cứu của tác giả Võ Xuân Mai (năm 2011), thảm cỏ biển tại đảo Lý Sơn đang phải đối mặt với nguy cơ bị suy thoái do tình trạng khai thác cát biển để trồng hành tỏi. Để có thể thu hoạch 400 - 500 tấn tỏi mỗi năm, nhân dân đảo Lý Sơn đã khai thác lên tới 70.000 m3 cát. Tình trạng này khiến Lý Sơn hàng năm mất đến khoảng 5 - 7 ha và gây ra hiện tượng xói lở.
Còn tại vịnh Vân Phong, bên cạnh việc người dân đào, xới liên tục trong thảm cỏ biển bằng cuốc để khai thác các nguồn lợi ngao, sò thì sự phát triển của một số khu kinh tế, cụ thể như việc xây dựng cảng và hoạt động sửa chữa tàu biển của nhà máy Hyundai Vinashin đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của cỏ biển. Đây có thể được xem là một trong nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của 275,8 ha thảm cỏ biển trong vòng 9 năm.
Các nhà khoa học, nhà quản lý trình bày tham luận, công trình nghiên cứu có liên quan tại Hội thảo.
Chung tay hiện thực hoá thông điệp “Thập niên phục hồi sinh thái”
Trước những cơ hội và thách thức được các nhà nghiên cứu lần lượt công bố, trao đổi tại Hội thảo, đại diện Ban tổ chức khẳng định: Những vấn đề mà Hội thảo lần này đặt ra vừa góp phần đánh giá hiện trạng (tổng quan về bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam), vừa đề xuất giải pháp (là các mô hình được ghi nhận là hiệu quả) nhằm bảo tồn cho các hệ sinh thái trọng điểm và các loài động vật hoang dã nguy cấp ở Việt Nam, trong đó có khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trên cơ sở đó, Ban tổ chức cũng đã chọn 10 tham luận của các chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý đã nghiên cứu và trình bày tại Hội thảo nêu lên được hiện trạng công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, trong đó ưu tiên tập trung cho khu vực miền Trung và Tây nguyên với nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau từ tính đa dạng sinh học cả trên cạn và dưới nước để tiếp tục tuyên tuyền, phổ biến đến cộng đồng và các đối tác có liên quan nhằm góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học tại miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Đồng thời, từ những công trình, kết quả nghiên cứu và các đề xuất, kiến nghị đặt ra tại Hội thảo, theo Ban tổ chức: Đây là những đề xuất hết sức quan trọng và thiết thực, là cơ sở để các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan chức năng, tổ chức có liên quan tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đồng thời tham vấn cho yêu cầu quản lý trong bối cảnh suy giảm đa dạng sinh học, nhất là các đề xuất nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan đối với công tác này.
Theo TS.KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững miền Trung và Tây Nguyên” lần này với chủ đề “Tương lai cho phục hồi các hệ sinh thái trọng điểm và bảo tồn các loài nguy cấp” có ý nghĩa hết sức sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, quyết tâm, nỗ lực trong công tác bảo tồn, bảo vệ, hướng đến khôi phục, phục hồi các giá trị sinh thái tại miền Trung và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những kết quả bước đầu; trong thời gian tới ngoài việc nâng cao nhận thức và sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội thì để đảm bảo sự phát triển đa dạng sinh học và phát triển bền vững miền Trung và Tây Nguyên, đòi hỏi phải có các cơ chế khuyến khích, thiết lập, thúc đẩy xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; ưu tiên chú trọng phát hiện, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững...
“Càng nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể thì chúng ta càng nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn để phát triển xanh” - Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đều bày tỏ sự kỳ vọng thông qua diễn đàn của Hội thảo lần này sẽ kết nối thường xuyên và bền vững các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng hợp tác, chia sẻ và chung tay hành động, góp phần hiện thực hoá thông điệp “Thập niên phục hồi sinh thái” giai đoạn 2021 - 2030./.
Bài, ảnh: Đình Tăng