Lễ hội Dinh Thầy Thím giữ một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh không chỉ của cộng đồng người dân Bình Thuận, mà cả đối với người dân khu vực các tỉnh, thành lân cận ở phía Nam.
Gìn giữ di sản văn hóa dân gian
Quần thể di tích dinh Thầy Thím phân bố ở hai vị trí thuộc địa bàn xã Tân Tiến, thị xã La Gi, bao gồm khu dinh thờ Thầy Thím và khu mộ Thầy Thím. Sự ra đời, tồn tại của dinh, mộ và lễ hội Dinh Thầy Thím gắn liền với truyền thuyết Thầy Thím và quá trình khai lập, hình thành làng Tam Tân nói riêng, cũng như thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) nói chung.
Thầy Thím là cách gọi thể hiện sự tôn kính của nhân dân đối với hai vợ chồng người đạo sĩ tài đức, giàu lòng nhân ái đã có nhiều công lao cứu giúp người dân lao động trong cuộc sống. Sau khi qua đời, nhằm tôn vinh, tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn của cộng đồng đối với Thầy Thím; người dân địa phương đã tạo dựng ngôi dinh để thờ cúng và từ đó đến nay, Thầy Thím được tôn vinh là vị Thần bảo trợ, chở che cho dân làng được khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc.
Lễ hội Dinh Thầy Thím giữ vai trò quan trọng trong đời sống và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân. Ảnh: Nguyên Vũ
Truyền thuyết về Thầy Thím được coi là di sản văn hóa dân gian có nhiều giá trị và nổi tiếng ở địa phương, được sản sinh ra từ trong cuộc sống, lao động và đấu tranh của ông cha ngày trước, phản ánh nỗi khát khao chính đáng của người dân lao động về một xã hội công bằng, ấm no và hạnh phúc. Nội dung của truyền thuyết mang đậm tính nhân văn, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý và nhân cách cho các thế hệ đương thời và mai sau.
Trải qua gần 150 năm tồn tại, các hạng mục kiến trúc của Dinh Thầy Thím đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, đến nay vẫn bảo lưu khá nguyên vẹn về kiểu dáng, kết cấu kiến trúc, nguyên vật liệu và nét trang nghiêm, cổ kính. Các hạng mục kiến trúc của Dinh Thầy Thím được lắp ghép theo lối kiến trúc “Tứ trụ” - kiểu kiến trúc dân gian đặc trưng, tiêu biểu ở Bình Thuận vào thế kỷ 18 - 19.
Lễ hội dinh Thầy Thím diễn ra từ ngày 14 - 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ nối tiếp nhau như: Nghinh Thần, Nhập điện an vị (diễn ra vào buổi sáng ngày 14/9 Âm lịch); Dâng cộ bánh lên Thầy Thím, Cúng Ngọ (diễn ra vào buổi sáng ngày 15/9 Âm lịch); Thỉnh sanh, Tế Tiền hiền và Chánh tế Thần (diễn ra vào buổi sáng ngày 16/9 Âm lịch).
Bên cạnh đó là phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian và hoạt động văn hóa - thể thao hấp dẫn như: Thi đấu cờ người, thi làm bánh, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, kéo co, việt dã, bóng chuyền bãi biển, biểu diễn lân - sư - rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình nghệ thuật dân tộc... Lễ hội dinh Thầy Thím thu hút rất đông người dân địa phương và du khách đến bái tế, trẩy hội trong suốt thời gian cả tháng 9 Âm lịch hàng năm.
Hướng tới phát triển du lịch
Đại diện UBND thị xã La Gi nhận Quyết định đưa lễ hội Dinh Thầy Thím vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: B.H
Ngày 12/1/2022, lễ hội Dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở để Bình Thuận bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của lễ hội Dinh Thầy Thím nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương và tham quan, bái tế của du khách; hướng đến đưa lễ hội Dinh Thầy Thím trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục duy trì các kỳ tế lễ diễn ra hàng năm tại Dinh Thầy Thím như lễ Tảo mộ Thầy Thím diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng Âm lịch và lễ hội Dinh Thầy Thím (lễ Giỗ Thầy Thím) diễn ra từ ngày 14 - 16 tháng 9 Âm lịch. Trong đó, lễ Giỗ Thầy Thím được coi là lễ hội chính với nhiều nghi lễ theo theo tập tục truyền thống nối tiếp nhau.
Hàng năm, phần lễ và phần hội sẽ được duy trì tổ chức. Phần lễ với đầy đủ các nghi thức và cách thức hành lễ theo tập tục truyền thống của ông cha để lại, phần hội cần chú trọng phục hồi lại các trò chơi, trò diễn dân gian, đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao gắn với tiềm năng, thế mạnh và truyền thống văn hóa của địa phương để quảng bá, thu hút nhân dân và du khách tham gia, khám phá, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ… cho người dân và du khách đến thăm quan, bái tế lễ hội. Tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường nối từ đường ĐT 709 vào dinh và mộ, các tuyến đường nối từ dinh đến mộ Thầy Thím; quy hoạch, bố trí bãi đỗ xe phù hợp tại khu vực dinh và mộ, tổ chức phân luồng, phân tuyến tránh ùn tắc giao thông. Có phương án bố trí, sắp xếp lại các quầy bán hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống… trong khu vực dinh và mộ Thầy Thím một cách hợp lý, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường cảnh quan. Không để tái diễn tình trạng các quầy bán hàng lưu niệm sử dụng loa kéo có âm lượng lớn mời gọi, chèo kéo du khách để trả lại không gian yên tĩnh, vẻ mỹ quan và nét trang nghiêm cần thiết cho di tích và lễ hội./.
Nam Anh