Là vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử với tài nguyên văn hóa đặc sắc, tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng cũng như lợi thế trở thành trung tâm du lịch văn hóa của cả nước.
Thừa Thiên Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của đất nước ta dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn. Ngày nay, Thừa Thiên Huế vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Thừa Thiên Huế hiện đang sở hữu 7 di sản đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ.
Ngoài ra, địa phương này gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội; hàng trăm ngôi chùa cổ, làng cổ, nhà rường, nhà vườn; hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ cùng với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng đã trở thành tài sản vô giá của vùng đất Cố đô.
Với nhiều giá trị di sản văn hóa, Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh phát triển du lịch xanh từ khai thác tài nguyên này.
Nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một Kinh đô với những giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá. Đến nay, hàng trăm công trình di tích lớn nhỏ của kinh thành Huế xưa đã được trùng tu, tiêu biểu như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Duyệt Thị Đường, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, hệ thống Trường lang, lầu Tứ Phương Vô Sự và nhiều công trình tại các lăng tẩm của các vua như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định…
Bên cạnh đó, các di sản văn hóa phi vật thể của Cố đô Huế cũng rất phong phú và đa dạng. Thời gian qua, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên chủ yếu được xác định trong phạm vi văn hóa cung đình thời Nguyễn, gồm Thơ văn trên kiến trúc cung đình, các hoa văn họa tiết trang trí mỹ thuật gắn liền với di tích kiến trúc, múa hát cung đình, lễ hội cung đình, tuồng Ngự, ca Huế...
Cùng với sự phát triển chung của cả nước, Thừa Thiên Huế được tôn vinh là vùng đất của lễ hội với trên 500 lễ hội, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại từ bao đời nay và gắn liền với những giá trị văn hóa của mỗi vùng đất như: Lễ hội cung đình Huế (Lễ tế Nam Giao, Lễ tế Đàn Xã Tắc, Lễ Truyền Lô, Lễ tế Văn Miếu...) và các Lễ hội văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo như Lễ Phật Đản, Lễ hội Điện Huệ Nam, Lễ hội Quán Thế Âm; Lễ hội Lăng Cô huyền thoại biển, Lễ hội Thuận An biển gọi...
Lễ hội truyền thống tại tỉnh Thừa Thiên Huế làm nên nét đặc sắc trong phát triển du lịch tại địa phương
Đặc biệt, Lễ hội Festival Huế diễn ra vào các năm chẵn và Festival Nghề truyền thống diễn ra vào các năm lẻ với những chuỗi hoạt động văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc gắn kết với hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế sôi động, đa dạng, phong phú đã được trình diễn trong các kỳ Festival đã góp phần nâng cao vị thế văn hóa Huế trong nước và quốc tế.
Ngoài các lễ hội đặc sắc, rất nhiều làng nghề truyền thống liên quan đến nông nghiệp, ngư nghiệp cũng được hình thành như: tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, đan đệm Phò Trạch, đan lát Bao La, gót Dạ Lê, nón Hương Cần, rượu làng Chuồn, gốm Phước Tích...
Nhằm phát huy những giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển du lịch, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã có Nghị quyết 04-NQ/TU về “xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đó, xác định mục tiêu, tầm nhìn nhằm phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh: Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố Du lịch sạch ASEAN, Thành phố bền vững môi trường ASEAN và đạt danh hiệu Thành phố sáng tạo về văn hóa.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; là tiền đề để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, thành phố Festival của châu Á vào năm 2045.
Trong những năm qua, địa phương này đã ban hành nhiều đề án, chương trình, nghị quyết với quyết tâm đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, giá trị văn hóa giàu bản sắc truyền thống.
Tỉnh đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quy hoạch, trùng tu các di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng tiêu biểu. Di chuyển nhà máy, công sở ra khỏi khu vực Kinh thành; di dời dân cư sinh sống trên Thượng thành. Đầu tư hạ tầng phát triển du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế gắn với xây dựng môi trường văn hóa, thân thiện mến khách.
Việc tổ chức thành công các kỳ Festival Huế là cơ hội để quảng bá, thu hút du khách đến với vùng đất di sản này. Ảnh: Nhật Anh
Đến nay, nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều lễ hội văn hoá đặc sắc đã được nghiên cứu, phục dựng thành công. Các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản và dịch vụ ngày càng đa dạng. Quần thể di tích Cố đô Huế được khai thác hiệu quả. Các kỳ Festival Huế, các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế đã góp phần khẳng định vị trí về văn hóa - du lịch của tỉnh, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, với các lợi thế về các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh đang tập trung xây dựng Huế thành Kinh đô ẩm thực, Kinh đô áo dài; đồng thời, phát huy giá trị phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Việc khai thác và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa góp phần đưa địa phương này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ngành du lịch tỉnh đã phục hồi tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến tỉnh ước đạt hơn 771.000 lượt, tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 39% kế hoạch so với phương án thấp.
Trong đó, khách nội địa đến tỉnh đạt 702.910 lượt, tăng 25,7%, khách quốc tế 12.380 lượt, giảm 15,9% so với cùng kỳ. Khách lưu trú đạt 438.094 lượt, tăng 19,4%. Doanh thu từ du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1.566 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.
Thừa Thiên Huế xác định tài nguyên du lịch văn hóa đặc biệt là di sản đã trở thành hạt nhân, luôn được quan tâm phục hồi, bảo tồn và khai thác hợp lý để phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là nền tảng chính của phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua.
Vũ Thư