Thừa Thiên Huế xứng đáng là thành phố xanh của Việt Nam

Cập nhật: 22/08/2022
Theo định hướng đến năm 2025, ngành du lịch Thừa Thiên Huế trong đó có “Du lịch xanh” sẽ bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển của các ngành và lĩnh vực kinh tế khác. Mục tiêu ngành du lịch là xây dựng du lịch trở thành ngành dịch vụ chuyên nghiệp với năng lực cạnh tranh cao, lấy khoa học, công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm đột phá để phát triển du lịch.

Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, trong đó có “Du lịch xanh”, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, du lịch xanh trong những năm gần đây không chỉ là một khái niệm mà đã trở thành một xu hướng, đã và đang phát triển nhanh chóng. Với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, theo đồng chí Thừa Thiên Huế có “đủ tự tin” để phát triển mảng du lịch này?

Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Thừa Thiên Huế đã từng bước xây dựng địa phương theo hướng đô thị di sản, văn hóa sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; với thành phố Huế là đô thị trung tâm. Đây là lợi thế rất lớn đã góp phần giúp cho Thừa Thiên Huế có một nền tảng vững chắc để phát triển "Du lịch xanh" trong những năm gần đây, đồng thời phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch hiện nay, nhất là tập trung vào chủ đề "Du lịch xanh" như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm check-in du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá; hình thành các điểm vui chơi giải trí mới, các điểm dịch vụ về đêm (tuyến phố đi bộ Hoàng Thành giai đoạn 1), các tour du lịch với tiêu chí xanh - bền vững, bảo tồn di sản văn hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, có trách nhiệm với cộng đồng: tour khám phá nét đặc trưng lịch sử, văn hóa và cảnh quan các địa phương dành cho đối tượng khách trẻ tuổi, nhóm khách gia đình; ưu tiên sử dụng các phương tiện xe điện, xe đạp và xe xích-lô.

Hiện nay, đã có 7 trạm xe đạp chia sẻ thông minh trên địa bàn thành phố; nhiều điểm du lịch cộng đồng được hình thành như: khám phá nhà vườn truyền thống ở Kim Long, làng cổ Phước Tích, khu vực cầu ngói Thanh Toàn, khám phá các làng chài ở khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các ngôi làng truyền thống của đồng bào dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới...

Bên cạnh đó, ở Huế, người dân không phải lo lắng nhiều bởi tiêu chuẩn không khí luôn được đảm bảo. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch cũng như các tổ chức du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp thị hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia, nhất là các sản phẩm "Du lịch xanh" là chủ đề của năm du lịch quốc gia Việt Nam 2022.

Điều này khẳng định được Huế xứng đáng là thành phố xanh của Việt Nam, khẳng định được thương hiệu của một thành phố du lịch xanh hàng đầu cả nước.

Vùng chiến khu Dương Hòa (Thị xã Hương Thủy) xưa, Điểm di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) hướng tới điểm du lịch nông thôn - cộng đồng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Phóng viên: Thưa đồng chí, với những tiềm năng và thế mạnh trên, "Du lịch xanh" ở Thừa Thiên Huế cần những cú hích như thế nào để có sự phát triển đột phá?

Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Đầu tiên đó là việc khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ nguyên tắc: tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện với môi trường; không làm tổn hại đến các giá trị tài nguyên; không phá vỡ cảnh quan và không làm biến tướng, mất đi các giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản; không đánh đổi tài nguyên, môi trường với phát triển du lịch bằng mọi giá.

Hai là, phát triển du lịch phải ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc quản lý phát triển du lịch xanh.

Ba là, khảo sát đánh giá các thị trường khách quan tâm đến du lịch xanh, thói quen chi tiêu của khách nhằm xây dựng các sản phẩm dịch vụ xanh có khả năng thu hút các nguồn khách có chất lượng và khả năng thanh toán cao.

Bốn là, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường.

Cắm trại là hoạt động du lịch mà du khách không thể bỏ qua khi đến Huế. Đây là không gian thú vị, giúp bạn thư giãn, hòa quyện vào thiên nhiên tươi đẹp.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát huy danh hiệu về thành phố du lịch sạch ASEAN, khách sạn Xanh ASEAN, Điểm tổ chức MICE bền vững, sản phẩm du lịch đô thị bền vững đã được cộng đồng ASEAN công nhận để nâng cao nhận thức toàn dân về ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, giữ gìn vệ sinh đường phố; quản lý, xử lý tốt chất thải, nước thải; bảo vệ, gìn giữ không gian xanh; hạn chế sử dụng túi ni lông và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành “Bộ tiêu chí Du lịch xanh” cho các mảng: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành, điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc. Trên cơ sở đó các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đồng thời đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như: “Tour xanh”, “Khách sạn xanh”, “Nhà hàng xanh”, “Khu nghỉ dưỡng xanh”… để du khách dễ dàng nhận diện và đăng ký sử dụng.

Du khách hào hứng với tour du lịch sinh thái tại rừng ngập mặn huyện Quảng Điền.

Phóng viên: Theo đồng chí, hiện tại du lịch của Thừa Thiên Huế đã thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08 ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Trong những năm qua, lĩnh vực du lịch liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu. Số lượt khách đến Thừa Thiên Huế tăng từ 81.500 lượt năm 1990 lên hơn 4,8 triệu lượt năm 2019; doanh thu từ du lịch vốn chỉ đạt 154 tỷ (1990) cũng đã có bước nhảy vượt bậc lên hơn 12.000 tỷ (2019), đóng góp hơn 12% trong GRDP của tỉnh.

Mặc dù vậy, phải khách quan thừa nhận, trong suốt một chặng đường rất dài, du lịch tỉnh nhà vẫn chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng vốn có, cần phải có sự chuyển biến tích cực, nỗ lực hơn nữa để sắp xếp lại các nguồn lực, sử dụng hợp lý và phát huy hiệu quả các tiềm lực là hết sức cần thiết để có chiến lược phát triển phù hợp với những định hướng trong tương lai, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng mà Đảng và Nhà nước giao.

Đề án “Phát triển ngành du lịch Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn” được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1691/QĐ-UBND, ngày 12/7/2017 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với mục tiêu xuyên suốt của Đề án là phát triển du lịch trong những thời gian tới là chất lượng tăng trưởng du lịch, lấy hiệu quả là thước đo chính, thúc đẩy tăng trưởng tỷ lệ GRDP và tỷ lệ lao động du lịch vào các chỉ tiêu của tỉnh.

Đến năm 2025, ngành Du lịch bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.

Trải nghiệm thăm vườn thanh trà trong tour du lịch cộng đồng. Thanh trà Huế là đặc sản tiến vua của đất Cố đô, là món quà quê gây thương nhớ không chỉ với khách du lịch mà còn cả những người con quê hương xa xứ.

Phóng viên: Hiện tại Thừa Thiên Huế còn gặp những khó khăn, hạn chế nào cần giải quyết để thực hiện tốt Nghị quyết số 08 ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Xác định được những tiềm năng và thế mạnh của mình, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ tốt môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả nỗ lực đạt được, hiện tại ngành du lịch Thừa Thiên Huế còn gặp rất nhiều khó khăn để duy trì và tiếp tục khai thác các thế mạnh, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 08 ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Đó là bối cảnh chính trị quốc tế vẫn còn phức tạp và tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều khu vực trên thế giới dẫn đến việc phục hồi thị trường khách quốc tế vẫn rất chậm. Xét về tổng thể hạ tầng giao thông du lịch ở Huế hiện nay, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tại một số điểm du lịch vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, dịch vụ sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ mang tính tương tác, trải nghiệm trong Quần thể Di tích cố đô Huế. Các đường bay nội địa từ các thị trường khách trong nước đến và đi từ Thừa Thiên Huế còn hạn chế, vẫn chưa có đường bay quốc tế; tần suất chuyến bay từ các đầu cầu TPHCM, Hà Nội vẫn còn thấp. Ngoài ra, chính sách riêng ưu đãi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch chưa có, gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước nước ngoài; vẫn còn thiếu các thương hiệu du lịch tầm cỡ có đẳng cấp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, nguồn nhân lực du lịch có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng do nhiều người lao động phải nghỉ việc, chuyển đổi nghề nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh và bị hút đến một số địa phương đang có những dự án du lịch quy mô lớn đang hoặc chuẩn bị đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp đầu tư, khai thác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn mỏng, năng lực, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, dẫn đến năng lực khai thác còn hạn chế về thu hút khách cũng như phát triển các sản phẩm mới.

Lăng Tự Đức được mệnh danh là những công trình kiến trúc đẹp nhất triều đại nhà Nguyễn, là nơi yên nghỉ của vua Tự Đức. (Nguồn ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) 

Một vấn đề khá nan giải, đó là mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường và sức hút đối với các nhà đầu tư. Một số cơ chế, quy định pháp luật nhà nước chưa thật sự phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh. Việc khai thác thế mạnh các giá trị của di sản văn hóa chưa thực sự hiệu quả, sản phẩm vẫn còn nghèo nàn, chưa tạo ra sự tương tác cho du khách để trải nghiệm...

Phóng viên: Thưa đồng chí, việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thành công là một bộ phận quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xin đồng chí chia sẻ lộ trình và giải pháp phát triển du lịch Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW?

Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh mục tiêu: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Tiến hành lập và triển khai phương án phát triển ngành du lịch, đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, thị trường du lịch; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, các khu, điểm du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đề xuất đưa vào quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế; quy hoạch phân khu; xây dựng các đề án phát triển du lịch để đề xuất phương án đầu tư hợp lý, hiệu quả tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống... Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách quy định, hướng dẫn để thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch.

Thừa Thiên Huế ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch bền vững, sinh thái, du lịch biển xứng tầm ở Vườn quốc gia Bạch Mã, dải ven biển và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Thứ hai, tập trung huy động nguồn lực để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và di sản một cách nguyên bản, đồng bộ. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, trùng tu các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế; di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo tồn phố cổ, làng cổ. Bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, vịnh biển Lăng Cô, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vườn quốc gia Bạch Mã...

Đồng thời, chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ nguồn lực trong công tác bảo tồn, mở rộng quan hệ với các tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực di sản. Triển khai có hiệu quả Đề án Festival 4 mùa. Phát huy lợi thế của thành phố Festival, các loại hình hoạt động Festival, xem các kỳ Festival là sản phẩm du lịch chủ lực của Thừa Thiên Huế. Tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao, lễ hội truyền thống. Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại các điểm Đền Huyền Trân, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Tượng Quán Thế Âm, chùa và các cổ tự... Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh (du lịch y tế). Xây dựng các chính sách để kích cầu và phát triển loại hình du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) dựa trên thế mạnh của địa phương về nền tảng văn hóa, giáo dục, y tế... Đặc biệt, ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch bền vững, sinh thái, du lịch biển xứng tầm ở Vườn quốc gia Bạch Mã, dải ven biển và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Thứ ba, tập trung thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch với quan điểm xuyên suốt là xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh.

Thứ tư, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa, du lịch. Xây dựng cơ chế khuyến khích nhân tài, nhất là chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở các địa phương, đơn vị đối với hoạt động văn hóa, du lịch dịch vụ; hoàn thiện môi trường du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong phát triển văn hóa, du lịch...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thừa Thiên Huế là Cố đô còn nguyên vẹn nhất tại Việt Nam, là nơi gìn giữ một “gia tài” văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và toàn nhân loại, với nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử, di tích cách mạng, trong đó có 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận; 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng với gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa đặc sắc đã được kiểm kê, trong đó có 163 di tích được xếp hạng.

 

Hoàng Oanh

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 21/08/2022