Khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch xanh ở Ninh Bình

Cập nhật: 19/08/2022
Ninh Bình là vùng đất giàu tài nguyên du lịch với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp và môi trường sinh thái tự nhiên có giá trị. Tận dụng lợi thế này, Ninh Bình đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, bền vững vươn lên trở thành trung tâm du lịch quốc gia.

Ninh Bình được biết đến là kinh đô của Việt Nam với 3 triều đại Đinh, Lê, Lý, vì thế, địa phương này sở hữu nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam như: khu di tích, lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, dấu ấn của Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính,…

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.821 di tích, gồm 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt bao gồm: Danh lam, thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động  nằm trải rộng trên địa bàn nhiều xã thuộc Hoa Lư, Gia Viễn và Thành phố Ninh Bình. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư bao gồm 47 di tích thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh núi Non Nước gồm núi Non Nước, chùa Non Nước và đền Trương Hán Siêu.

Quần thể danh thắng Tràng An là nét đặc trưng trong phát triển du lịch tại tỉnh Ninh Bình 

Ngoài ra, Ninh Bình còn được xác định là một trong 16 khu du lịch trọng điểm của cả nước, là trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ, với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó, tiêu biểu là Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cùng 400 hang động lớn, nhỏ.  

Bên cạnh đó, địa phương này còn có diện tích rừng lớn nhất so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (hơn 29.000ha); trong đó, có Vườn quốc gia Cúc Phương - nơi sinh sống của gần 2.000 loài thực vật bậc cao và 2.600 loài động vật, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long với hệ sinh thái đa dạng đặc trưng cho vùng đất ngập nước. 

Bên cạnh những di tích lịch sử, văn hóa, Ninh Bình còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng với 225 lễ hội truyền thống, trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội chùa Bích Động, Lễ hội chùa Bái Đính...  Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát xẩm, hát chèo và nhiều làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề thêu Văn Lâm, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư), các làng nghề chế biến cói ở Kim Sơn, nghề gốm Bồ Bát (Yên Mô).   

Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững, vừa qua tỉnh Ninh Bình tiếp tục phê duyệt Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Nhiệm vụ của đề án này là thực hiện quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; trọng tâm là quy hoạch Công viên động vật hoang dã quốc gia; quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tràng An; điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng các khu du lịch Vân Long, Cúc Phương, hồ Đồng Thái, động Mã Tiên,..

Phát triển du lịch xanh tại Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long đang được tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh triển khai 

Trong đó, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm giúp du khách thâm nhập cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân bản địa. Đây cũng là điều kiện để Ninh Bình khơi dậy các làng nghề truyền thống như nghề dệt chiếu ở huyện Kim Sơn, làng thêu Văn Lâm, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân ở huyện Hoa Lư. 

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc, thời gian qua tỉnh Ninh Bình đã từng bước đầu tư khai thác và hình thành các sản phẩm du lịch có lợi thế, bao gồm: du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Thời gian qua, nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đã ban hành 4 đề án, 9 kế hoạch phát triển văn hóa thể thao như: Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021-2030”... 

Kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch xây dựng bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp…

Nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch cũng được tỉnh Ninh Bình quan tâm đầu tư như: Dự án tu bổ tôn tạo di tích đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành, Dự án tu bổ tôn tạo di tích đền Cọ, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Công trình tu bổ tôn tạo di tích đền Vối (thuộc dự án Nạo vét tuyến giao thông thủy Bích Động - Hang Bụt và Thạch Bích - Thung Nắng), Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Tràng An, khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính và khu chùa động Am Tiêm... qua đó góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa, tạo điều kiện phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch Ninh Bình đón gần 1,8 triệu lượt khách tham quan, tăng gần 205% so cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng gần 190% so với năm trước. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã cho ra mắt nhiều sản phẩm mới như: trải nghiệm không gian phố cổ Hoa Lư (tái hiện nét văn hóa, lịch sử đặc trưng ở vùng đất cổ Ninh Bình); tour du lịch tham quan danh thắng kết hợp giới thiệu sản phẩm các làng nghề truyền thống trong cả nước (làng thêu Văn Lâm, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng mộc, gốm Bồ Bát, tranh Bồ Ðề, làng nghề đúc đồng, sơn mài ở Ý Yên, tranh Ðông Hồ...).

Trong năm 2022, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương. Ảnh: Phúc Ngư 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức các tour du lịch trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên tại vườn quốc gia Cúc Phương và tham quan không gian văn hóa dân tộc đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường. Huyện miền núi Nho Quan, Ninh Bình hiện có gần 30.000 người là đồng bào dân tộc Mường, cộng đồng này còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như hát giao duyên tiếng Mường, múa cồng chiêng. Các yếu tố văn hóa bản địa và xu hướng sử dụng ẩm thực dân dã góp phần đáp ứng xu hướng du lịch trải nghiệm của du khách thập phương. 

Theo định hướng phát triển du lịch tại địa phương trong thời gian tới, tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong giai đoạn mới bằng chuyển đổi số; phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu; phát triển ứng dụng và các tiện ích thông minh phục vụ khách du lịch; tăng cường đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Ninh Bình ở trong nước, quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ý thức cộng đồng trong phát triển du lịch.

Trần Nga

Nguồn: TCĐT thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 18/08/2022