Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch giúp người dân nâng cao thu nhập

Cập nhật: 25/08/2022
Những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống ở nước ta ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng.

Làng nghề luôn là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách (Ảnh minh họa)

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.000 làng nghề. 

Trong đó có 400 làng nghề truyền thống gồm 53 nhóm nghề làm ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó nhiều sản phẩm nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Tiềm năng là vậy nhưng khách đến làng nghề vẫn rất ít dù đã có khá nhiều tour giới thiệu.

Ở nhiều địa phương, mặc dù đã có chủ trương từ cấp quản lý gắn làng nghề với phát triển du lịch các làng nghề cũng đã có định hướng phát triển du lịch, thậm chí có tên trong sản phẩm tour của các hãng lữ hành, song vẫn chưa có biến chuyển tích cực.

Bên cạnh đó, một thực trạng cũng cần được đánh giá đến đó là các làng nghề ở nước ta, nhiều về số lượng, phong phú về loại hình sản xuất, nhưng hàng nghìn “mỏ tài nguyên du lịch” ấy không cho ra nổi một sản phẩm đồ lưu niệm đặc trưng của du lịch Việt Nam.

Các làng nghề ở Hà Nội như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, gỗ Vân Hà, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động có thể nói đã “ăn nên làm ra” nhờ xuất khẩu các đồ mỹ nghệ, nhưng việc “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch lại không được lưu tâm tới.

Đối với việc phát triển du lịch làng nghề thì đây thực sự là một thiếu sót lớn, bởi các làng nghề quá chú trọng vào thị trường tiêu dùng đồ mỹ nghệ cao cấp mà không quan tâm tới thị trường đồ lưu niệm bình dân khi mà thị trường này đang rất sôi động và mang lại nguồn thu lớn cho người làm nghề.

Đó là chưa kể đến việc các sản phẩm còn quá đơn điệu và không hợp với nhu cầu của thị trường. Người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất theo ý thích bản thân hoặc rập khuôn theo truyền thống mà chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, tại các làng nghề này chưa có những điều kiện để trình diễn, dịch vụ phục vụ khách tham quan nghèo nàn. Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng và phát triển du lịch chưa cao, bởi họ chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. 

Một làng nghề được coi là phát triển du lịch khi thu nhập từ du lịch chiếm ít nhất 25% thu nhập của làng. Bên cạnh đó, một số làng nghề hướng phát triển du lịch nhưng hạ tầng giao thông và môi trường còn nhiều bất cập.

Để khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững nhằm phát huy hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm tới công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng như khôi phục và phát triển các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của làng nghề, tạo sức hút với du khách. 

Xây dựng môi trường du lịch văn hoá tại làng nghề thông qua một số hoạt động như: Giáo dục ý thức cho cộng đồng dân cư làng nghề có văn hoá giao tiếp với khách du lịch; phối hợp với các trường đào tạo về quản lý du lịch, mời các giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực quản lý du lịch về giảng dạy các khóa học, các lớp tập huấn ngắn hạn tại làng nghề nhằm trang bị cho cán bộ địa phương và nhân dân làng nghề những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong hoạt động du lịch.

Hỗ trợ các làng nghề trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề như mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông ra - vào làng nghề, hình thành các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch làng nghề. 

Đặc biệt môi trường cảnh quan của làng nghề có tác động mạnh đến tâm lý của du khách. Do đó, không gian sản xuất cũng cần được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ nhằm tạo thiện cảm với khách tham quan. 

Những công đoạn sản xuất tại làng nghề phải được bố trí riêng và có phương án xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường chung. Đây chính là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển du lịch làng nghề đã từng được các chuyên gia chia sẻ góp phần xoá đói giảm nghèo tại nông thôn.

Du lịch làng nghề sẽ được đầu tư đúng mức và khai thác có hiệu quả sẽ trở thành một trong những kênh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đồng thời phát triển du lịch ở các làng nghề truyền thống hứa hẹn sẽ giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Có thể khẳng định, phát triển loại hình du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch thì lợi ích mang lại là rất lớn.

Kim Huân

Nguồn: Cổng TTĐT Hội Nông dân VN - Đăng ngày 14/08/2022