Động vật hoang dã là một bộ phận không thể thiếu trong lớp sinh quyển mà con người là một mắt xích quan trọng cho chuỗi chuyển hóa sinh học. Bảo tồn động vật hoang dã còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội, duy trì sự đa dạng sinh học và gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá cho nhân loại. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lê Minh Tuyên.
Cán bộ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thả động vật hoang dã về tự nhiên góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học. Ảnh: Ánh Ngọc
- Ông có thể cho biết, hiện nay tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Hà Nội diễn ra như thế nào và có ảnh hưởng ra sao đến đa dạng sinh học?
- Trong những năm gần đây, kinh tế phát triển mạnh mẽ, cùng với đó, nhu cầu sử dụng trái phép sản phẩm các loài động vật hoang dã tại Hà Nội ngày một tăng. Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi nên tình hình buôn bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố diễn ra rất phức tạp. Cụ thể, trong 5 năm qua, lực lượng chức năng của thành phố, trung ương tịch thu, bắt giữ 76 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, trong đó có những động vật hoang dã quý hiếm như: Hổ, rái cá, gấu, rùa vàng…, với tổng số tiền xử phạt gần 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, tính đến hết tháng 8-2022, trên địa bàn thành phố đang quản lý 227 cơ sở nuôi động vật hoang dã với 64.365 cá thể; cơ quan chức năng đã cấp cho 153 cơ sở mã số nuôi động vật hoang dã.
Trên thế giới có khoảng 15 triệu loài sinh vật, mỗi loài đều nằm trong một mắt xích hoặc nhiều mắt xích quan trọng của chuỗi thức ăn tự nhiên. Sự biến mất của một loài sẽ dẫn đến sự thay đổi toàn bộ cấu trúc đã diễn ra theo quy luật của hàng chục triệu năm nay. Một số loài chủ chốt trong thế giới tự nhiên biến mất cũng đồng nghĩa với nguy cơ biến mất của những loài lân cận. Vì thế, bảo vệ sự tồn tại của thế giới động vật cũng là bảo vệ sự đa dạng về loài, cá thể trong loài, bởi suy cho cùng đó chính là bảo vệ môi trường sinh thái.
- Trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ ban hành có những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp gì để bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, thưa ông?
- Chiến lược đề ra mục tiêu là cần phải bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, chiến lược đặt ra những chỉ tiêu rất cụ thể như đến năm 2030 phải cải thiện được tình hình của tối thiểu 10 loài đang bị đe dọa, không có thêm loài nguy cấp nào bị tuyệt chủng… Chiến lược cũng đề ra các nội dung chủ yếu thực hiện, thúc đẩy công tác bảo tồn các loài hoang dã, nhất là các loài động vật hoang dã nguy cấp bằng các biện pháp điều tra, đánh giá và liên tục cập nhật, công bố danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm để có biện pháp bảo tồn. Chẳng hạn, tăng cường thiết lập hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, những mạng lưới trung tâm cứu hộ, thực hiện các giải pháp để giảm mối đe dọa tới các loài động vật hoang dã.
- Hiện nay, thành phố Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, như thế nào?
- Nhận thức trước thực trạng săn bắt, bẫy các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn thành phố, đặc biệt dọc hai bên sông Hồng diễn ra phức tạp và cần phải có các biện pháp bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, từ năm 2020, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã xây dựng đề án bảo tồn các loài động vật hoang dã có nguồn gen quý hiếm, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư dọc hai bên sông Hồng (nơi có nhiều loài chim hoang dã, di cư trú ngụ).
Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục Kiểm lâm tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND thành phố Hà Nội ban hành 2 văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Chi cục Kiểm lâm xác định, đây là nhiệm vụ cần thiết, thường xuyên và luôn chủ động trong công tác bảo tồn, bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và các loài chim hoang dã, di cư nói riêng để bảo tồn sự đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố.
- Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp nào để thúc đẩy hiệu quả công tác bảo tồn động vật hoang dã và sự đa dạng sinh học, thưa ông?
- UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, tích cực thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã và sự đa dạng sinh học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, sự đa dạng sinh học cho người dân, học sinh, chủ các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm, người dân tại các khu chợ bán chim cảnh… trên địa bàn thành phố.
Thành phố chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ việc nuôi nhốt động vật; không để người dân lợi dụng việc gây nuôi nhằm buôn bán động vật hoang dã trái phép; chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các đối tượng vi phạm. UBND thành phố cũng tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, tạo sự đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, bảo vệ động vật hoang dã không chỉ cần sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan như các tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đoàn thể và từng người dân. Từ việc nhận thức được tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, mỗi cá nhân cần thay đổi hành vi ứng xử của mình, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường ngày một tốt hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Lân