Tỷ phú người Mỹ - Warren Buffett từng nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Hiểu rõ điều này, những năm qua, Hà Giang luôn phối hợp chặt chẽ, chủ động, trách nhiệm với các địa phương trong khu vực Việt Bắc nhằm phát triển du lịch.
Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Tư Liệu
Hoạt động gần đây nhất, chứng tỏ sự chủ động trong liên kết phát triển du lịch, đó là việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội khảo sát tuyến du lịch các tỉnh Việt Bắc. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIII do tỉnh ta đăng cai tổ chức. Theo đó, từ ngày 23-28.8, có 3 đoàn tiến hành khảo sát tuyến du lịch các tỉnh Việt Bắc, gồm: Khảo sát “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”, lộ trình Hà Nội – Bắc Sơn (Lạng Sơn) - Trùng Khánh, Bảo Lâm (Cao Bằng) - Mèo Vạc, Đồng Văn, thành phố Hà Giang (Hà Giang). Khảo sát tuyến “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”, lộ trình Hà Nội - Thái Nguyên - Ba Bể (Bắc Kạn) - Thượng Tân, Bắc Mê (Hà Giang) - Du Già, Đường Thượng, thành phố Hà Giang (Hà Giang). Tuyến du lịch “Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên”, lộ trình Hà Nội - Tân Trào, Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang) - Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang (Hà Giang).
Đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” do Hà Giang khởi sướng từ năm 2009, đến nay đã trải qua 13 năm luân phiên tổ chức giữa các tỉnh trong nhóm hợp tác và trở thành sự kiện thường niên, là sản phẩm du lịch ngày càng khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam, góp phần tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch liên vùng, thúc đẩy khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch các địa phương, thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành và du khách.
Trong những năm qua, diện mạo phát triển KT-XH các tỉnh vùng Việt Bắc có nhiều khởi sắc, bền vững, lĩnh vực du lịch dịch vụ ngày càng khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, trở thành trọng điểm của khu vực với hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, tiêu biểu như: Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, du lịch biên mậu Lạng Sơn; khu di tích quốc gia Pắc Bó, thác Bản Giốc, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; hồ Ba Bể Bắc Kạn; hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa Thái Nguyên; di tích lịch sử đặc biệt Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang); Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ quốc gia Lũng Cú, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang)…
Trong xu hướng phát triển mới, ngành Du lịch tỉnh đã ứng dụng công nghệ số để giới thiệu đất và người Hà Giang tới du khách, qua các tour du lịch online, đặc biệt là kiệt tác danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; vẻ đẹp hùng vĩ của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; vẻ đẹp bình dị của hoa Tam giác mạch và những sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Tổ chức các sự kiện như Lễ đón nhận di sản phi vật thể quốc gia gắn với Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai; phối hợp với các tỉnh tổ chức Tuần Văn hoá du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Thành phố Hà Nội tại vườn hoa Lý Thái Tổ…
Còn nhớ, tại Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc” do Hội đồng Dân tộc Quốc hội phối hợp với Viện Kinh tế, Văn hoá (Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đã chỉ rõ: Những năm qua, du lịch 6 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc đã đạt được những kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng khá cao cùng với sự hình thành một số địa bàn du lịch trọng điểm, đóng góp nhất định vào sự phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng. Tuy nhiên, du lịch vùng này chủ yếu dựa vào khai thác các tài nguyên sẵn có của mỗi địa phương; các sản phẩm du lịch chưa được đầu tư nhiều, còn khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương; công tác liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, chưa hiệu quả...
Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry gợi mở một số định hướng hoạt động liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng vùng Chiến khu Việt Bắc, như: Phối hợp trong chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch cho vùng Chiến khu Việt Bắc thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của vùng ra quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở T.Ư với các cơ quan đại diện ngoại giao, truyền thông, hàng không, lữ hành lớn trong nước và ngoài nước để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng; đa dạng và nâng cao chất lượng xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu của đơn vị nói riêng cũng như của địa phương nói chung…
Hiểu rõ những kết quả đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại, tỉnh Hà Giang đã và đang đẩy mạnh liên kết, tăng cường hợp tác nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” có những bước tiến mới, bền vững và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam.
BTV