Sáng 25/8, Trường Đại học Phan Thiết phối hợp với Viện Khoa học giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch và Trường Đại học Đà Lạt tổ chức hội thảo quốc tế “Văn hóa, giáo dục và du lịch với phát triển kinh tế”. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cùng các trường đại học trong nước và quốc tế.
Hội thảo tập trung 2 nội dung chính, đó là “Hình ảnh điểm đến và chất lượng dịch vụ du lịch” và “Phát huy văn hóa truyền thống và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch”. Trong đó tại nội dung hình ảnh điểm đến, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về những tác động hình ảnh điểm đến du lịch, vai trò trung gian sự hài lòng và truyền miệng; xu hướng du lịch staycation và cơ hội thu hút khách du lịch nội địa đến Bình Thuận. Qua nghiên cứu tại một số địa điểm du lịch trong nước, các nhà nghiên cứu đã chia sẻ những yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn khu du lịch núi LangBiang và khai thác Datanla (Đà Lạt - Lâm Đồng) là điểm đến của du khách; chất lượng dịch vụ du lịch ở TP. Nha Trang qua cảm quan của du khách quốc tế; du lịch cộng đồng với phát triển kinh tế của các tộc người ở Hoàng Su Phì, Hà Giang… giúp các địa phương rút ra kinh nghiệm và bài học trong công tác tuyên truyền hình ảnh điểm đến.
Chương trình hội thảo (ảnh Ngọc Lân)
Còn tại phiên hội thảo phát huy văn hóa truyền thống, nhiều nội dung cũng được đại biểu đưa ra. Trong đó tập trung nhất là vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Dao trong phát triển bền vững vùng tái định cư thủy điện Tuyên Quang; định hướng trong thiết kế chương trình đào tạo sinh viên theo quy luật cung cầu thị trường việc làm tại Việt Nam; di sản văn hóa là mỏ vàng để phát triển kinh tế du lịch. Ngoài ra, một số đại biểu còn nêu lên yếu tố nghệ thuật trang trí trên tường tại công trình kiến trúc Huế cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX và những kết quả ứng dụng bước đầu trong chuyển đổi số lĩnh vực du lịch…
Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Khắc Thường - Hiệu trưởng Trường ĐH Phan Thiết cho biết: Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và một trong những trụ cột phát triển kinh tế- xã hội Bình Thuận, góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động. Tuy nhiên, những kết quả phát triển của ngành du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, phát huy lợi thế địa phương. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến ngành. Vì thế hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, giảng viên, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong các ngành chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp góp phần phục hồi kinh tế nói chung và ngành du lịch nước ta nói riêng.
Các đại biểu tham gia hội thảo văn hóa, giáo dục và du lịch với phát triển kinh tế (ảnh Ngọc Lân)
Thuỳ Linh