Nguồn tiền từ việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đang góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân cũng như các đơn vị chủ rừng ở Kon Tum.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cùng những hoạt động hiệu quả của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đang tiếp tục góp phần làm thay đổi nhận thức, tạo động lực cho người dân, đơn vị chủ rừng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
Đưa chúng tôi đi thăm 15ha rừng sản xuất của 25 hộ dân làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, anh A Ngực, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Đăk Rô Gia cho biết, riêng gia đình anh có 7 sào đất, do trồng sắn quá nhiều năm đất bị bạc mầu năng suất kém mỗi năm thu hoạch sắn chỉ bán được khoảng 13 triệu đồng.
Anh A Ngực (thứ hai từ phải qua) trao đổi kỹ thuật phòng bệnh cho vườn bạch đàn cự vỹ của gia đình.
Với ý thức đi đầu làm gương, năm 2021 anh A Ngực quyết định chuyển sang trồng bạch đàn và vận động người dân cùng làm theo. Anh A Ngực khẳng định, người dân làng Đăk Rô Gia rất có niềm tin về lợi ích của việc trồng rừng, bởi dân làng đã thấy hiệu quả từ việc tham gia quản lý bảo vệ rừng để hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ diện tích rừng do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô giao.
“Thôn thực hiện quản lý rừng tự nhiên ở Tiểu khu 289 với tổng diện tích là 288ha. Công ty lâm nghiệp chi trả là hàng quý một lần được 45 triệu đồng, có quý tăng hơn do giữ được môi trường tốt. Ban ngành thôn đã họp với công ty để thống nhất những người ở thôn hàng ngày tham gia trực tiếp đi quản lý bảo vệ rừng, trực chốt để lên danh sách chi trả cụ thể”, anh A Ngực cho biết.
Xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum có dân số trên 5.000 người, trong đó bà con dân tộc thiểu số Xơ Đăng chiếm tới trên 95%. Năm nay xã Đăk Trăm được huyện Đăk Tô giao trồng mới từ 120 - 140ha rừng. Về lâu dài diện tích rừng trồng sẽ cho các gia đình ở xã Đăk Trăm có thêm nguồn thu nhập.
Cái lợi của công tác này đã thấy ngay trước mắt là tránh được tình trạng lãng phí đất đai. Với diện tích cây trồng còn lại, người dân sẽ tích cực hơn trong việc đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng nhằm đạt hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết, hiệu quả thực tế từ việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân và các cộng đồng trên địa bàn xã trong việc bảo vệ, phát triển rừng.
“Cộng đồng dân tộc các thôn Đăk Đrinh, Đăk Rô Gia, Tê Pheo, Tê Peng, Đăk Trăm đã thực hiện việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với Công ty lâm nghiệp Đăk Tô. Trong quá trình tham gia quản lý bảo vệ rừng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm lấn đất rừng, chặt phá rừng, đồng thời tham gia việc phòng chống cháy rừng. Từ tiền dịch vụ môi trường rừng nhận được đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân, nâng cao thu nhập. Đặc biệt trong những dịp chuẩn bị năm học mới, dịp lễ, Tết… công ty kết hợp chi trả để người dân có điều kiện mua sắm quần áo, sách vở cho các cháu đi học”, ông Tuệ thông tin.
Cán bộ lâm nghiệp vận động người dân tích cực tham gia phát triển rừng.
Từ chỉ tiêu tỉnh Kon Tum giao trồng 570ha rừng trong năm nay, đến cuối tháng 8, UBND huyện Đăk Tô đã phân bổ chỉ tiêu cho các xã trồng 450ha, diện tích còn lại 120ha được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Ông Nguyễn Công Tường, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô cho biết, đến nay toàn huyện đã trồng được 539ha, đạt tỷ lệ trên 94% so với kế hoạch giao. Thực tế quá trình trồng rừng tại địa phương cho thấy cơ bản gặp thuận lợi.
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng theo kế hoạch. Nhiều hộ dân đã nhận thức được quyền lợi từ chính sách hỗ trợ trồng rừng của Nhà nước, nên đã đăng ký tham gia trồng rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập để phát triển kinh tế”, ông Tường cho hay.
Theo thông tin từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum, tính đến tháng 6/2022, đơn vị đã hoàn thành việc giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021 cho các chủ rừng với tổng số tiền gần 307,6 tỷ đồng. Cùng với đó giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 là trên 99 tỷ đồng.
Nguồn tiền có được từ việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đang góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân cũng như các đơn vị chủ rừng ở Kon Tum trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có, mùa mưa năm nay tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu trồng mới 4.500ha rừng./.
Khoa Điềm