Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch biển Cồn Bửng - Bến Tre

Cập nhật: 06/09/2022
Thạnh Phú có bờ biển dài trên 25km với phong cảnh hữu tình, có nhiều dải rừng ngập mặn, di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển, Lăng Ông Nam Hải… Sau thời gian tạm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nay Cồn Bửng (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) đã “trở mình” với số lượt khách du lịch trong 9 tháng năm 2022 vượt so với kế hoạch. Cồn Bửng đang cần được đầu tư đúng mức để phục vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Khách tham quan, tắm biển tại Cồn Bửng.

Điểm đến lý tưởng

Sau gần 10 năm, chúng tôi có dịp trở lại Cồn Bửng vào những ngày cuối tháng 8-2022. Người dân địa phương tất bật với công việc đón khách trong dịp lễ Quốc khánh 2-9. Đường dẫn ra Cồn Bửng và cầu được mở rộng thông thoáng. Hai bên đường có nhiều quán ăn, giải khát, mua bán hải sản. Đặc biệt, từ khi Lăng Ông Nam Hải được trùng tu và Khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển xây dựng xong và đưa vào sử dụng, số lượng du khách tới Cồn Bửng ngày càng đông. Cồn Bửng có các bãi tắm đẹp như Hàng Dương, Tây Đô, Phương Đông. Phong cảnh ở bãi tắm Tây Đô khá đẹp. Những gốc cây phi lao nhỏ 4 - 5 tuổi ngày nào giờ đã to lớn đang đứng sừng sững trước gió. Bãi tắm này giờ có phần được cải tạo mới, có thêm mấy căn nhà ở giáp lộ nhựa dùng để cho khách thuê.

Khu ăn uống vẫn rộng và thoáng mát như xưa, nay được đầu tư thêm sân khấu “Hát với nhau” để phục vụ du khách. Theo thời gian, đường ra bãi tắm có đoạn bị lún, sạt lở nhưng vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên thủy.

Đường dẫn ra bãi tắm Hàng Dương vẫn đẹp như xưa với nhiều hàng phi lao cao to vừa chắn gió, vừa tạo bóng mát và tăng thêm nét đẹp tự nhiên của khu du lịch. Tại đây, có nhiều hộ kinh doanh, dịch vụ ăn uống như: Hàng Dương, Tàu Biển, Hoàng Lan, Biển Ngọc, Biển Đông... Đang lúc nước ròng, ngoài biển có nhóm người lom khom mò nghêu, bắt ốc. Anh Nguyễn Văn Dương, một người dân ở ấp Thạnh Hải, đang đẩy xiệp (làm bằng cây, lưới) bắt con ruốc cho hay: “Sáng tới giờ tôi xiệp vớt được hơn chục ký ruốc, mỗi ký bán 20 ngàn đồng. Gần bên, có nhiều người bày bán cua, mực, nghêu, sò huyết, tôm, cá biển… Một du khách vừa tính tiền cua xong nói với tôi “Ở đây giá cả bán phải chăng, không có chuyện rao giá cao, nói thách”.

Phó trưởng ban Quản lý Khu du lịch Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre (BQLKDL) Nguyễn Tấn Phong cho hay: Do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2021, số lượt khách tới Cồn Bửng chỉ đạt 135 ngàn người. 9 tháng năm 2022, có trên 260 ngàn lượt khách.

Khai thác tiềm năng

Trong những năm gần đây, Thạnh Phú đã đầu tư phát triển du lịch, xây dựng nhiều công trình và mô hình hiệu quả như mô hình du lịch sinh thái rừng phòng hộ tại xã Thạnh Phong, du lịch homestay kết hợp tham quan các di tích văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh. Các điểm tham quan như Nhà cổ Huỳnh Phủ, khu mộ xã Đại Điền, hàng cây sao xã Phú Khánh, di tích lịch sử trận đánh 30 tháng 10 xã Mỹ Hưng, chùa An Linh, bia lưu niệm nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại xã Phú Khánh, tượng đài Giá Thẻ xã An Nhơn, bia lưu niệm nơi xuất quân Tiểu đoàn 307 và thành lập Tiểu đoàn 310, di tích cấp quốc gia Đường Hồ Chí Minh trên biển, bia mộ 21 người, Lăng Ông Nam Hải… là những nơi đến có nhiều nét đặc sắc thu hút khách của huyện.

Hệ thống giao thông, cầu đường được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo nhiều thuận lợi trong giao thông và lượng khách đến tham quan, du lịch tại Cồn Bửng ngày càng nhiều hơn. Theo thống kê, trong 5 năm (2017 - 2022), tổng lượng khách đến huyện Thạnh Phú đạt 1,45 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 315 tỷ đồng. Nghề kinh doanh, dịch vụ du lịch đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và tiêu thụ số lượng lớn mặt hàng thủy hải sản địa phương. 

BQLKDL hiện quản lý Lăng Ông Nam Hải, Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển và 9 cơ sở dịch vụ du lịch, ăn uống. Công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và nhân dân đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, bán hàng bảo đảm chất lượng “không chặt chém khách” được BQLKDL phối hợp với lực lượng công an, quân sự và các ngành, đoàn thể xã Thạnh Hải thực hiện thường xuyên. UBND huyện Thạnh Phú đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh, dịch vụ du lịch cho cán bộ, công chức ở các xã, thị trấn và các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện. Tổ chức tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch Thạnh Phú” với sự tham gia của các chuyên gia, các doanh nghiệp lữ hành và các ngành chức năng của tỉnh. BQLKDL thường xuyên tuyên truyền về nghiệp vụ, quy tắc ứng xử với khách du lịch và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch. Qua đó, đã góp phần thu hút lượng du khách đến với Cồn Bửng ngày càng nhiều hơn.

Để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch biển Cồn Bửng, UBND huyện Thạnh Phú đã kiến nghị ngành chức năng tỉnh cần sớm khảo sát, đánh giá lại đất rừng; trong đó chuyển một phần diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ không đúng thực tế (không có rừng) sang đất phát triển kinh tế. Cần tạo môi trường thuận lợi, có nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; xây dựng các bến tàu (phía sau Lăng Ông, cầu Cồn Bửng, rạch giáp cồn Đâm); tôn tạo chùa, xây dựng trạm dừng chân nhằm tạo điều kiện đa dạng nhiều loại hình du lịch. Tiếp tục nâng cấp đường ra Biển Đông, mở tuyến xe buýt đến Cồn Bửng để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.

Bài, ảnh: Đức Chính

Nguồn: Báo Đồng Khởi - baodongkhoi.vn - Đăng ngày 05/09/2022