Quá tải du lịch đe dọa sự bền vững của quần thể Angkor
Cập nhật: 19/05/2009
Ngày càng có nhiều người đến du lịch tại quần thể kiến trúc Angkor nổi tiếng của Campuchia. Nhưng sự quá tải về du lịch lại đang đe dọa sự bền vững và làm xuống cấp di tích này trong khi những hoạt động bảo tồn vẫn còn khá khiêm tốn. Những ngôi đền đá cổ của Angkor vẫn đứng vững sau nhiều cuộc chiến, giờ đây lại đang bị “tấn công” bởi những dòng du khách bất tận từ sáng tới tối.
Angkor Wat được người Hindu xây dựng vào thế kỉ XII, với một tòa tháp trung tâm mạ vàng tượng trưng cho Núi Meru, ngôi nhà huyền thoại của các vị thần và là trung tâm của vũ trụ. Ngôi đền hướng về phía Tây, có lẽ để tỏ lòng tôn kính thần Vishnu, vị thần cai quản vạn vật.
Đây là nơi tuyệt vời để du khách tham quan thưởng ngoạn và lưu lại hình ảnh độc đáo khi mặt trời mọc đằng sau ngôi đền nổi tiếng nhất trong quần thể Angkor này. Tuy nhiên những đoàn du khách ồ ạt, chen lấn xổ đẩy hướng đến cánh cổng của công trình tôn giáo lớn nhất thế giới này đã làm trầy xước những viên đá được chạm khắc tinh xảo, góp phần gây hư hại những trang trí kiến trúc.
Khi chiều xuống, đám đông du khách ghé thăm ngôi đền Phnom Bakheng. Hàng trăm người chen lấn giành chỗ trên những phiến đá rộng, bằng phẳng và đều đặn một cách tinh xảo ở ngôi đền nhỏ cổ nhất quần thể Angkor này.
Khuất sau cánh rừng dày, nơi đây từng tránh được các tour du lịch cho đến khi bom mìn từ thời Khơ Me Đỏ được gỡ bỏ. “Bây giờ đột nhiên nó lại trở thành điểm mà ai cũng muốn đến vào cuối ngày để ngắm hoàng hôn và cảnh đẹp” - Bonnie Burnham, chủ tịch Quỹ Di sản Thế giới tại New York cho biết. Tổ chức phi lợi nhuận này giúp bảo tồn các di tích lịch sử trên khắp thế giới.
Trong số 108 điện thờ của Phnom Bakheng có rất nhiều điện đang bị trượt nghiêng do nước thấm vào qua nhiều thế kỷ làm lỏng liên kết giữa cát và đất. Khách du lịch cũng góp phần làm xói mòn và tăng nguy cơ sụp đổ của những phần đã bị xói mòn. Burnham cảnh báo: “Những thềm đá du khách đặt chân lên không thật sự vững chắc. Chúng đang xói mòn nhanh chóng. Những điêu khắc tuyệt diệu trên điện thờ ở trung tâm ngôi đền đang trong tình trạng rất dễ hư tổn và chưa được tính đến bảo tồn.”
Tháng trước, quỹ của Burnham đã nhận được khoảng 1 triệu USD từ Phòng Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ cho một dự án tu bổ phía Đông của Phnom Bakheng, khu vực bị xuống cấp nhiều nhất của ngôi đền.
Ngay cả khi du khách đã rời khỏi những ngôi đền thì họ vẫn gián tiếp tác động đến sự bền vững nơi đây. Nghỉ ngơi ở những khách sạn gần Siem Riep, việc sử dụng nước của du khách góp phần gây cạn kiệt những mạch nước ngầm trong khu vực. UNESSCO đã cảnh báo rằng sự suy giảm mực nước có thể gây xói mòn nền móng vốn không mấy chắc chắn của Angkor Wat, khiến ngôi đền dần dần lún xuống.
Douglas O’Reilly, một nhà khảo cổ học người Canada hiện công tác tại một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ các di tích lịch sử của Campuchia, cho biết, hiện chưa có đủ nghiên cứu về mức độ tác động của việc phát triển du lịch đối với sự vững chắc của Angkor Wat.
Một thập kỷ trước, mỗi năm có khoảng 300.000 du khách đến thăm Angkor Wat. Khi đó du khách hoàn toàn có thể tìm được khoảng thời gian yên tĩnh một mình giữa những ngôi chùa che phủ bởi rừng nhiệt đới. Nhưng sau hàng thập kỷ nội chiến và biến đổi, thời hòa bình khu di tích đã mở cửa đón ồ ạt du khách. Chính phủ hy vọng con số du khách viếng thăm Angkor Wat sẽ lên đến 3 triệu người vào năm 2010.
Với việc ngày càng có thêm nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng, các nhà bảo tồn đang đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn tác động của sự phát triển kinh tế và du lịch đối với khu di tích này. “Điều đó có nghĩa là phải có hy sinh. Du khách tham quan nơi đây không thể tái diễn một số hành vi mà trong quá khứ họ được phép làm.” Burnham phát biểu.
Hiện nay, công ty Sokimex Group đã đứng ra bao thầu việc bán vé vào Angkor bằng một hợp đồng với chính phủ Campuchia. Giá vé hiện là 20 USD/1 ngày, 40 USD/3 ngày và 60 USD/1 tuần. Hầu hết lợi nhuận thu được thuộc về công ty và chỉ một phần ba số đó được chuyển đến Apsara, một tổ chức do Hoàng gia lập ra nhằm bảo tồn và quản lý khu di tích Angkor.
Tuy nhiên, theo Aspara, tiền bán vé chỉ đủ để chi trả những chi phí cơ bản và hầu như không có ngân sách cho bảo tồn. Tất cả các công tác bảo tồn ở Angkor đều nhờ vào nguồn tài trợ nước ngoài. Các chính phủ và các nhà tài trợ nước ngoài, dẫn đầu là Hoa Kỳ, Pháp và Nhật, đã chi 50 triệu USD trong 15 năm qua cho công việc sửa chữa và tu bổ khu di tích.
Sức ép của hàng triệu bước chân du khách đặt lên những bậc thang và nền ngôi đền Angkor Wat đã dẫn đến việc đóng cửa một vài khu vực. Burnham cho biết, cách thức tạm thời đầu tiên để giải quyết vấn đề này có thể đơn giản là đảm bảo cho du khách đi đúng một đường từ lúc vào cho đến lúc ra. Thêm vào đó, chính quyền nên hạn chế số vé tham quan vào lúc cao điểm nhằm giảm áp lực cho ngôi đền.
Một nhóm nghiên cứu của Đại học Sydney, Úc trong những năm gần đây, khi nghiên cứu hình ảnh do các vệ tinh NASA và một chiếc máy bay siêu nhẹ cung cấp, đã phát hiện ra rằng Angkor trước đây rất rộng lớn. Giả thuyết của họ là sự sụp đổ của thành phố vào thế kỉ XV đã xảy ra trên diện rộng, do con người sao lãng môi trường sống, đốn cây làm ruộng, khiến sông ngòi lắng bùn. Nếu giả thuyết này đúng, đó là một lời cảnh báo cho thế kỉ XXI, khi sự phát triển quá nóng đang đe dọa những công trình tuyệt vời và nghệ thuật mà Angkor cổ đại đã để lại.