Trong một hai thập kỷ gần đây, Nhật Bản đã nổi lên như một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ hệ thống luật pháp tới ý thức và hành động của người dân. Du lịch sinh thái tại Nhật Bản phát triển trong những năm gần đây và ngày càng định hình rõ là một trào lưu của khách du lịch. Du lịch sinh thái cũng đã trở thành một trong những hướng ưu tiên của chính phủ Nhật Bản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bài viết này phác thảo đặc điểm của khách du lịch Nhật Bản hướng tới hoạt động du lịch sinh thái, tập trung vào hiện trạng và các chương trình phát triển du lịch sinh thái cũng như vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này; đồng thời, gợi mở những kinh nghiệm để phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam.
Những thay đổi hướng tới sinh thái của khách du lịch Nhật Bản
Trong các hoạt động đi du lịch, các hoạt động hướng tới thiên nhiên và du lịch sinh thái đang là một quan tâm lớn của khách du lịch Nhật Bản. Theo Luật Du lịch Sinh thái Nhật Bản, du lịch sinh thái là hoạt động du lịch trong đó du khách được hướng dẫn hay cung cấp những thông tin về tài nguyên du lịch tự nhiên, thường xuyên có những hoạt động tích cực hướng tới giao tiếp với tài nguyên du lịch tự nhiên trong quá trình đi du lịch; hoặc những hoạt động du lịch của du khách với mục đích tìm hiểu những kiến thức về tài nguyên du lịch tự nhiên và bảo vệ các tài nguyên này.
Theo Báo cáo về Xu hướng du lịch của khách du lịch Nhật Bản do Công ty Giao thông Nhật Bản thực hiện vào năm 2004, loại hình du lịch được khách du lịch Nhật Bản ưa thích nhất là du lịch tắm suối nước nóng (chiếm 57,9 % số người được hỏi). Xếp thứ 2 là du lịch hướng tới thiên nhiên (45,7%). Nhận thức về du lịch sinh thái của người dân cũng cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây.
Nhu cầu du lịch sinh thái của nguời Nhật bắt nguồn từ ý thức bảo vệ môi trường rất cao của người dân. Tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có cả sản phẩm du lịch trở thành một phần trong giá trị sống. Người Nhật đã rất quen với ý thức phân loại rác sinh hoạt (có khi tới 4-5 chủng loại khác nhau), hạn chế xả rác và tự thu dọn rác của mình tại những nơi công cộng, những điểm du lịch. Họ cũng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm có “giá trị môi trường cao”, được thiết kế và sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường và nhận được các chứng chỉ môi trường. Điều này giải thích vì sao nhiều chuỗi khách sạn, nhà hàng của Nhật Bản tiên phong trong việc xây dựng vòng tròn khép kín từ thu thập rác thải hữu cơ, sản xuất phân vi sinh sử dụng để sản xuất rau sạch và dùng rau sạch này trong khách sạn.
Phát triển du lịch sinh thái ở Nhật Bản và vai trò của nhà nước
Du lịch sinh thái của Nhật Bản thực sự trở thành một loại hình du lịch được quan tâm phát triển từ đầu những năm 1990, khi Ủy ban Môi trường (nay là Bộ Môi trường) Nhật Bản tiến hành nghiên cứu về các giải pháp phát triển du lịch sinh thái ở đảo Okinawa (đảo phía Nam Nhật Bản). Ủy ban Môi trường tham gia vào Liên minh Di sản Thế giới năm 1992. Cũng từ năm đó, các nhóm kinh doanh và hoạt động về du lịch sinh thái ở các địa phương bắt đầu tập hợp và họp bàn ở cấp toàn quốc. Năm 1994, Hiệp hội Bảo vệ Di sản Thiên nhiên Nhật Bản cho ra đời “Hướng dẫn về Du lịch Sinh thái”. Sau sự ra đời của một số Hiệp hội du lịch sinh thái tại một số địa phương là sự ra đời của Hội đồng Xúc tiến Du lịch Sinh thái Nhật Bản năm 1998. Hội đồng này là cơ quan cao nhất của nhà nước đưa ra các chính sách phát triển du lịch sinh thái tại Nhật Bản hướng tới việc bảo tồn và phát triển bền vững của các nguồn tài nguyên tự nhiên, lịch sử, văn hóa của các vùng. Hội đồng bao gồm cả những đại diện của những cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (các bộ Môi trường; Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông và Du lịch; Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản …), các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương, các hiệp hội du lịch, đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch sinh thái. Đứng đầu Hội đồng là Bộ truởng Bộ Môi trường Nhật Bản.
Chính sách do Hội đồng Xúc tiến Du lịch Sinh thái đưa ra không chỉ tập trung trực tiếp vào việc xây dựng và phát triển loại hình du lịch này ở Nhật Bản mà còn liên quan tới bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, giảm các tác động tiêu cực của du lịch và nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề môi trường. Vào tháng 6 năm 2004, Hội đồng đã đưa ra “5 giải pháp xúc tiến du lịch sinh thái”, đó là:
1. Xây dựng luật về du lịch sinh thái nhằm phổ biến và khuyếch trương hoạt động du lịch sinh thái,
2. Đưa ra một danh sách các “chương trình du lịch sinh thái” (List of Eco-tours) và quảng bá các hoạt động và kinh doanh du lịch sinh thái,
3. Xây dựng “Giải thưởng lớn về du lịch sinh thái” (Grand Prize for Ecotourism) nhằm cổ vũ cho những hoạt động du lịch này,
4. Biên soạn “Sổ tay phát triển du lịch sinh thái” nhằm cung cấp những kiến thức, hướng dẫn phát triển du lịch sinh thái,
5. Phát triển 13 dự án thí điểm về du lịch sinh thái tại một số địa phương
Một số các giải pháp đang trong quá trình thực thi trong khi một số giải pháp đã bước đầu hoàn thành. Bộ Môi trường đã công bố Luật Du lịch Sinh thái, tổ chức trao giải thưởng lớn về du lịch sinh thái hàng năm và phổ biến Sổ tay phát triển du lịch sinh thái. Các hoạt động khác cũng đã hoàn thành giai đoạn đầu và tiếp tục với các hoạt động duy trì và mở rộng. Các giải pháp trên đi kèm theo một loạt các hoạt động từ khảo sát nghiên cứu, tổ chức biên soạn, tổ chức các hội thảo, đầu tư tiền và cơ sở vật chất kỹ thuật… Kinh phí thực hiện các giải pháp được huy động từ nhiều nguồn nhưng chủ yếu từ nhà nước.
Riêng về giải pháp thứ 5, phát triển các dự án thí điểm về du lịch sinh thái, Bộ Môi trường trực tiếp đầu tư phát triển các mô hình thí điểm trong khoảng thời gian 3 năm. Các mô hình này được chia thành ba nhóm: nhóm các vùng bảo tồn tự nhiên (tại Shiretoko, Shirakami, Ogasawara, Yakushima), nhóm các vùng có nhiều khách du lịch (tại Urabandai, Bắc núi Phú Sĩ, Rokko, Sasebo), và nhóm các vùng có tài nguyên nhân văn đặc sắc đi cùng với những tài nguyên du lịch tự nhiên tái sinh (Tajiri, Hanno-naguri, Iida region, Kosei, Nanki-Kumano). Nội dung chính của các dự án này gồm:
- Hình thành các “Hội đồng xúc tiến du lịch sinh thái địa phương” với sự tham gia của chính quyền địa phương, hướng dẫn viên, công ty lữ hành, các tổ chức phi lợi nhuận, giới nghiên cứu …
- Xây dựng các quy định cho khách du lịch về bảo vệ môi trường tự nhiên
- Phát triển nguồn nhân lực hay xây dựng các chương trình phát triển du lịch sinh thái tại các địa phương.
Bên cạnh các dự án phát triển du lịch sinh thái là một loạt các dự án nhằm sử dụng hữu hiệu hơn các vườn quốc gia. Tại Nhật Bản có 28 vườn quốc gia, đón nhận khoảng 370 triệu lượt khách một năm. Nhiều trong số này đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về môi trường, giao thông, rác thải do quá tải. Một loạt các dự án của Nhà nước được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề này cũng như xây dựng nền tảng cho phát triển bền vững tại các vườn quốc gia, ví dụ như quy định về số lượng ô tô được ra vào 25 vườn quốc gia, tu tạo hệ thống đường mòn lên núi và bảo vệ thảm thực vật hai bên đường, trang bị hệ thống nhà vệ sinh tại các vùng núi, phát triển các hệ thống kiểm soát việc sử dụng các vườn quốc gia … Bộ Môi trường Nhật Bản cũng phối hợp với các cơ quan và tổ chức du lịch trong nước và quốc tế xây dựng và phổ biến các quy định và tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch bền vững tại các khu bảo tồn như “Hướng dẫn về du lịch tại các vườn và khu bảo tồn tại khu vực Đông Á”.
Những gợi ý về phát triển du lịch sinh thái Việt Nam
Với nhiều tiềm năng về tự nhiên, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển du lịch sinh thái. Tuy vậy, làm thế nào để phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam vẫn là vấn đề thu hút nhiều người quan tâm. Hiện tại sản phẩm du lịch sinh thái của Việt Nam chưa thực sự tạo ra một điểm nhấn trong đối tượng khách du lịch. Thay vào đó, sự đa dạng của văn hóa, dân tộc hay đồ ăn đã trở thành hình ảnh của Du lịch Việt Nam trong con mắt khách du lịch quốc tế. Phát triển du lịch sinh thái gắn với những hình ảnh và sản phẩm du lịch đã có sẵn này có thể là một phương thức phát triển thị trường khách du lịch sinh thái tới Việt Nam.
Kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái tại Nhật Bản cho thấy tầm quan trọng của một định hướng và kế hoạch phát triển du lịch sinh thái rõ ràng. Định hướng phát triển du lịch sinh thái vừa có thể được xem là bước đi tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vừa là cơ sở phát triển một loại hình kinh doanh của một quốc gia. Do vậy, tổ chức như một Hội đồng quốc gia với sự tham gia của nhiều Bộ, Ban, Ngành, của giới kinh doanh và cộng đồng địa phương là cần thiết. Ở một nước đang phát triển như Việt Nam, xây dựng và vận hành một hội đồng như mô hình này sẽ gặp phải không ít khúc mắc do khả năng phối hợp, giữa các Ban Ngành; giữa nhà nước, giới doanh nghiệp và giới nghiên cứu còn hạn chế. Việc điều phối hoặc chỉ đạo tổ chức ở cấp Chính phủ có thể giải quyết khó khăn này.
Một khó khăn lớn nữa là kinh phí cho việc tổ chức và thực hiện các chương trình xúc tiến phát triển du lịch sinh thái. Kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức quốc tế có thể là một giải pháp hiệu quả trong ngắn hạn. Trong điều kiện môi trường đang trở thành vấn đề toàn cầu như hiện nay, nhiều tổ chức và quốc gia rất quan tâm tới du lịch sinh thái và có thể tham gia tư vấn hay hỗ trợ trực tiếp cho phát triển du lịch sinh thái của các quốc gia đang phát triển. Thêm vào đó, các mục tiêu, giải pháp và chương trình hành động có thể được hoạch định với một lộ trình hợp lý, từng bước giải quyết từng vấn đề trong việc phát triển du lịch sinh thái. Những giải pháp đầu tiên về nghiên cứu, quy hoạch các vùng có thể phát triển du lịch sinh thái, nâng cao nhận thức cộng đồng qua tuyên truyền và hệ thống luật (hay quy định), thực hiện các mô hình thí điểm ở một vài điểm … là những công việc có thể thực hiện được. Điều quan trọng là định hướng phát triển du lịch sinh thái không chỉ dừng lại ở mức độ ra chính sách mà cần xây dựng cụ thể các chương trình và dự án hành động, bao gồm cả các điều kiện thực hiện, cách thức thực hiện, các cơ quan có trách nhiệm và kinh phí cho tổ chức thực hiện.
Tại từng điểm du lịch, phát triển du lịch sinh thái liên quan tới nhiều khía cạnh từ kinh doanh tới quản lý địa phương và bảo tồn thiên nhiên. Xây dựng quan hệ giữa các thành phần tham gia là một trong những yêu cầu cơ bản để phát triển du lịch sinh thái.
Phát triển du lịch sinh thái mới ở những bước đầu tiên, thậm chí trên phạm vi toàn thế giới. Du lịch sinh thái có thể mang lại những thời cơ cho phát triển Du lịch Việt Nam nhưng cũng ẩn chứa không ít thách thức trong việc khuyến khích phát triển. Nhưng du lịch sinh thái đang dần trở thành một trào lưu và mang lại sự phát triển bền vững cho điểm du lịch và cho cả quốc gia. Phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam chỉ còn là bài toán thời gian và quyết tâm của người thực hiện.
(TS. PHẠM TRƯƠNG HOÀNG - Khoa Du lịch và Khách sạn - Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội)