Thực hiện dự án quy hoạch đô thị ở Việt Nam: chú trọng đến môi trường và cây xanh.
Cập nhật: 21/05/2009
Ngày 19/5/2009, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), đã diễn ra Hội thảo “Kinh nghiệm thực hiện dự án tài trợ nhỏ trong quy hoạch môi trường đô thị ở Việt Nam”, với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế; các Bộ, ngành và 91 đô thị là thành viên của Hiệp hội các đô thị Việt Nam. Hội thảo do Hiệp hội và Chương trình Quy hoạch môi trường đô thị Việt Nam (Bộ xây dựng) phối hợp tổ chức.
Nội dung hội thảo xuất phát từ yêu cầu đánh giá việc thực hiện hợp phần thứ 3 (dự án tài trợ nhỏ) trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Cộng đồng Châu Âu và Chính phủ Việt Nam, với mục tiêu tổng thể là cải thiện chất lượng quy hoạch đô thị, góp phần cải thiện điều kiện môi trường ở các đô thị cấp tỉnh tại Việt Nam. Dự án tài trợ nhỏ có kinh phí tài trợ 3 triệu EURO, được triển khai từ tháng 11/2006- 03/2009 tại 10 đô thị thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào việc nâng cấp công trình đô thị, quản lý chất thải và trồng cây xanh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết trong việc hình thành và thực hiện thể thức đối tác là “Ban liên hiệp” để song hành trách nhiệm với Ban quản lý dự án ở từng địa phương, do trong “Ban liên hiệp” có mặt các thành viên là đại diện các đoàn thể ở địa phương, nên góp phần không nhỏ trong quá trình giám sát, thực hiện dự án.
Đây là lần đầu tiên một chương trình ở Việt Nam áp dụng rộng rãi thể thức đối tác địa phương như vậy. Đối với các dự án nâng cấp các công trình đô thị và trồng cây xanh, việc nhanh chóng chuyển giao kết quả dự án cho các đơn vị chức năng địa phương để tiếp tục điều hành và bảo dưỡng là điều cần thiết. Chẳng hạn dự án ở Long An đã chuyển giao xưởng ủ phân vi sinh cho một đơn vị tư nhân quản lý và nhân rộng mô hình sang 6 thị trấn khác trên địa bàn tỉnh. Hay việc vận động sự hưởng ứng tham gia của cộng đồng vào dự án cũng mang lại hiệu quả cao, như dự án ở tỉnh Sóc Trăng người dân đã đóng góp 1,6 tỷ đồng (bằng giá trị đất đóng góp) để mở rộng hệ thống hẻm.
Riêng với việc trồng cây xanh đô thị, các dự án đã thực hiện một số hoạt động can thiệp điển hình, như tỉnh An Giang trồng cây ở khu vực du lịch du lịch nổi tiếng Núi Sam, thành phố Cần Thơ trồng mới cây xanh cho quận Trung tâm Ninh Kiều... và đã gắn kết được sự tham gia của quần chúng trong việc trồng, bảo dưỡng cây xanh.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Dương Quốc Nghị - Giám đốc Chương trình quy hoạch môi trường đô thị Việt Nam: Từ nay các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể kế thừa, phát huy các kết quả này với nhiều sáng kiến và hành động ở phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, mục đích của hội thảo này nhằm truyền đạt kinh nghiệm để phổ biến, triển khai rộng các mô hình của dự án cho tất cả các đô thị ở Việt Nam trong thời gian đến.