Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh Lào Cai đang đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch địa phương tại khu vực Tây Bắc, qua đó hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030.
Đối với tài nguyên tự nhiên, Khu du lịch quốc gia Sa Pa là 1 trong 21 trọng điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Sa Pa nằm ở độ cao trung bình từ 1.200m-1.800m, khí hậu mát mẻ quanh năm, là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như chợ vùng cao, chợ tình Sa Pa,... Địa hình đa dạng với nhiều cảnh quan đẹp, hoang sơ, đặc trưng như ruộng bậc thang đặc trưng tại Mường Hoa, Nậm Cang, Trung Chải (Sa Pa), Y Tý, Sàng Ma Sáo, Mường Hum (Bát Xát)...
Với khoảng 25 nhóm dân tộc sinh sống, tỉnh Lào Cai còn đặc biệt hấp dẫn du khách bởi sự đặc sắc, đa dạng về văn hóa, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa. Hiện toàn tỉnh có 53 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia; trên 40 lễ hội truyền thống; nhiều bản làng vùng cao còn được lưu giữ những nét truyền thống đặc trưng riêng biệt như Tả Phìn, Tả Van (Sa Pa), Na Lo, Bản Phố (Bắc Hà), Choản Thèn (Bát Xát).
Những lợi thế về điều kiện tự nhiên đang tạo động lực để Lào Cai đẩy mạnh phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Bằng
Tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên, ngành Du lịch tỉnh đang đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng khám phá, trải nghiệm, nhất là tại huyện vùng cao Bát Xát. Khách du lịch tìm đến Bát Xát để chinh phục những đỉnh núi thuộc hàng cao nhất Việt Nam như: Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn và những cung đường đẹp nổi tiếng như: Mường Hum, Y Tý, Trịnh Tường, cột cờ Lũng Pô...
Với nhiều sự kiện, hoạt động du lịch hấp dẫn, du lịch Lào Cai đang có những bước phục hồi vững chắc. Theo đó, trong 9 tháng của năm 2022 tổng lượng khách đến Lào Cai ước đạt 3.672 nghìn lượt tăng 201% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế là 34 nghìn lượt, khách nội địa là 3.638 nghìn lượt, bằng 91,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 12.800 tỷ đồng, bằng 84% so với kế hoạch năm, tăng 232% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Sở du lịch tỉnh Lào Cai, các địa phương trong tỉnh đón đông đảo lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng trong 9 tháng qua phải kể đến thị xã Sa Pa đạt khoảng 2 triệu lượt khách, TP. Lào Cai đón được khoảng 1.551.260 lượt khách, huyện Bắc Hà đón được khoảng 284.650 lượt khách, huyện Bát Xát đón được khoảng 79.990 lượt khách, huyện Bảo Yên đón được khoảng 839.000 lượt khách.
Năm 2022 du lịch Lào Cai đặt mục tiêu đón trên 4 triệu lượt khách và tổng thu từ khách du lịch đạt 15.130 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Lào Cai tập trung triển khai 6 nội dung chính gồm: Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành phục vụ du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch; xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo quan trọng, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.
Đồng thời, tập trung xây dựng khu du lịch Quốc gia Sa Pa là trung tâm giao lưu văn hóa vùng núi Tây Bắc, du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế; có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; phát triển Sa Pa trở thành một khu vực đô thị, nông thôn hấp dẫn có bản sắc, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử khu vực Hoàng Liên Sơn; có hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, tiện ích dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Địa phương này đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm chinh phục những ngọn núi hùng vĩ. Ảnh: Anh Dương
Thời gian qua, nhằm phát huy những lợi thế trong phát triển du lịch đặc biệt nâng cao hiệu quả chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã tổ chức liên kết, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị xúc tiến, đầu tư thương mại và du lịch, tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế,...
Phối hợp cùng các tỉnh Tây Bắc mở rộng đề xuất và triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với các nội dung: Cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm, xúc tiến - quảng bá và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Chỉ đạo triển khai Biên bản hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (VN) và Vân Nam (Trung Quốc). Mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa,… để khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng núi cao cấp kết nối với du lịch biển...
Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết Sở đã và đang phối hợp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu tham mưu xây dựng Khung chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Bát Xát và Bắc Hà được định hướng phát triển theo tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) với nội dung cốt lõi là du lịch xanh gồm những sản phẩm được tạo ra từ các thành tố thích ứng, hòa hợp và thân thiện với môi trường, đem đến những giải pháp an toàn với môi trường tự nhiên, môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng cư trú và du khách.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Lào Cai tổ chức nhiều hoạt động, chương trình nhằm thu hút khách du lịch đến với các địa phương.
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch tại địa phương, tỉnh Lào Cai định hướng mở rộng không gian phát triển du lịch gồm 3 vùng. Vùng Tây Bắc gồm thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát, trong đó trung tâm là thành phố Lào Cai, với các sản phẩm đặc trưng như nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, cộng đồng, sinh thái và thể thao mạo hiểm; sản phẩm chính gồm du lịch MICE, mua sắm, tâm linh, nông nghiệp.
Vùng Đông Bắc gồm các huyện Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai, trong đó trung tâm là thị trấn Bắc Hà, với các sản phẩm đặc trưng như văn hóa cộng đồng với trọng tâm là chợ phiên, du lịch thể thao mạo hiểm; sản phẩm chính gồm du lịch cộng đồng, trải nghiệm cảnh quan và du lịch nông nghiệp, du lịch hoa.
Vùng phía Nam gồm các huyện Bảo Yên, Văn Bàn và Bảo Thắng, trong đó trung tâm là xã Bảo Hà, với các sản phẩm đặc trưng là du lịch tâm linh; sản phẩm chính gồm du lịch trải nghiệm cảnh quan và du lịch thể thao.
Trên cơ sở xác định không gian phát triển, 5 định hướng phát triển du lịch được xác lập. Đó là, định hướng phát triển sản phẩm - thị trường: Ưu tiên các sản phẩm đặc thù (Lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp; thể thao mạo hiểm; văn hóa – cộng đồng; sinh thái; nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP, MICE, mua sắm gắn với kinh tế cửa khẩu, du lịch hoa). Tập trung khai thác thị trường nội địa và thu hút thị trường Đông Bắc Á, ASEAN.
Đức Mạnh