Phú Quốc là quần thể đảo nằm ở phía Tây Nam tổ quốc, trong đó đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất của nước ta rộng 562km2, nằm trong vịnh Thái Lan, cách thị xã Rạch Giá 120 km, Hà Tiên 46 km. Bờ biển dài hơn 150km với nhiều loại hải sản quý và hệ sinh thái biển đa dạng, nắng ấm quanh năm, ít gió bão, lại nằm ở trung tâm thị trường du lịch Đông Nam Á nên đảo Phú Quốc được đánh giá là khu du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu của Việt Nam và khu vực.
Thế nhưng trên thực tế, hoạt động du lịch nơi đây lại chưa đa dạng, chưa có nhiều chỗ chơi, chỗ sắm... để du khách mong mỏi quay lại Phú Quốc nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hàng năm.
Dịch vụ biển chưa nhiều
Theo ông Trần Quốc Khanh - GĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại - du lịch Phú Quốc, thời gian lưu trú không cao và tỉ lệ trở lại Phú Quốc lần thứ hai của khách du lịch rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu loại hình dịch vụ du lịch đủ hấp dẫn giữ chân khách. Rõ nhất là lĩnh vực du lịch biển - một thế mạnh của Phú Quốc, đang trong tình trạng ít dịch vụ vui chơi ngoài biển.
Thực tế, ngoài một vài trò chơi như: Dù lượn, môtô nước, du thuyền trên biển, do một ít DN đầu tư với số lượng rất ít và cũng rất ít người tiếp cận được do giá khá cao, thì hầu hết doanh nghiệp du lịch, khách sạn-nhà hàng ở đây lại tập trung đầu tư cho loại hình du lịch khám phá núi, với hệ thống xe chất lượng cao đưa rước khách tham quan rừng, ngắm núi...
Trong khi đó, các loại hình dịch vụ khám phá biển vừa thiếu, vừa yếu, không tạo được sức hấp dẫn du khách. Ngay loại hình ăn khách nhất là lặn biển ngắm 2 loài đặc hữu của biển Phú Quốc là san hô và "nàng tiên cá" (dugong), toàn đảo chỉ có 1 dịch vụ hoạt động khoảng 3 tháng trong năm.
Dịch vụ du thuyền dạo chơi, câu cá trên biển, hoặc từ đảo Phú Quốc khám phá các đảo lân cận, như: Hòn Rõi, Hòn Thơm, Mây Rút... phần nào đáp ứng được nhu cầu của đông đảo du khách, nhưng khiến nhà quản lý lo ngại vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn. Phần lớn tàu, ghe này được ngư dân hoán cải từ tàu đánh cá cũ, kém hiệu quả... nên khả năng xảy tai nạn trên biển như sự cố tàu Diễm Tính ở Cà Mau vào năm 2004 là rất lớn.
Chất lượng nguồn nhân lực du lịch Phú Quốc
Theo ông Trần Quốc Khanh - GĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại - du lịch Phú Quốc kể lại: "Trong lần đến Phú Quốc, một nhà ngoại giao đã ca cẩm vì bị khách sạn hiện đại bậc nhất ở đây "làm mất" 15 phút cho mỗi việc nhận lại giấy tờ tùy thân, bởi lý do đơn giản: Bộ phận tiếp tân chờ bộ phận phục vụ phòng đếm số chai nước mà khách đã dùng".
Đây không phải là chuyện cá biệt về sự yếu kém của nền du lịch Phú Quốc. Cũng theo ông Khanh, ngay cả nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu sơ đẳng trong dịch vụ du lịch là bưng bê, kê dọn, Phú Quốc cũng khan hiếm. Vì thế tìm người bản địa đủ chuẩn để đào tạo đã khó, nhưng để giữ họ gắn bó với nghề còn khó hơn, do thu nhập từ nghề không đủ nuôi người.
"Phần lớn các doanh nghiệp trả lương theo phương thức tự thỏa thuận ở mức thấp so với mặt bằng giá sinh hoạt vốn "đắt" trên đảo, nên nhân lực du lịch biến động rất lớn, nhất là bộ phận hướng dẫn viên du lịch (HDV)". Vì thế, mỗi khi có tour, nhiều doanh nghiệp phải kiếm người có khiếu ăn nói để khách vui lòng luôn là một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, nhiều HDV không chuyên này đã cung cấp cho du khách nhiều thông tin mà ngay họ cũng không rõ.
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện KHCN-QLMT - ĐH Công nghiệp TPHCM, muốn xây dựng khu du lịch sinh thái chất lượng cao (DLSTCLC), trước hết phải có quy hoạch chi tiết của một khu DLSTCLC đúng nghĩa. Sau đó, phải sớm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng theo đúng quy hoạch. Mặt khác, muốn có DLSTCLC, ngoài việc quy hoạch đúng, cần có chính sách đào tạo đội ngũ làm DLSTCLC. Phú Quốc cần nỗ lực hơn nữa để trở thành "Thiên đường du lịch" thực sự trong con mắt của du khách.
(TTTTDL)