Chiều 26/5/2009, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã ký một Hiệp định tín dụng môi trường cung cấp một khoản tín dụng trị giá 100 triệu Euro cho Việt Nam nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Hạn mức tín dụng này là khoản tín dụng thứ 5 của Ngân hàng Đầu tư châu Âu cho Việt Nam và là hạn mức thứ hai ký kết với Bộ Tài chính. Trước đó, vào năm 2005 EIB và Bộ Tài chính đã ký kết một hạn mức tín dụng trị giá 30 triệu Euro để tài trợ cho các dự án quy mô vừa và nhỏ.
Theo hiệp định vừa ký kết, Bộ Tài chính sẽ là người vay và sẽ cho vay lại toàn bộ khoản tín dụng đến bốn Ngân hàng thương mại nhà nước gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Các ngân hàng này sau đó sẽ cho vay đến người vay cuối cùng để thực hiện các dự án theo tỷ lệ là 70% trị giá khoản tín dụng sẽ được sử dụng cho mục tiêu giảm sự thay đổi khí hậu thông qua các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng. 30% trị giá khoản tín dụng sẽ được sử dụng nhằm hỗ trợ sự hiện diện của cộng đồng châu Âu tại Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ cộng đồng châu Âu đến Việt Nam.
Ông Francisco de Paula Coelho Giám đốc bộ phận cho vay tại châu Á của EIB đánh giá cao dự hợp tác giữa EIB với Bộ Tài chính của Việt Nam và nhấn mạnh rằng hạn mức tín dụng này sẽ cung cấp các khoản vay dài hạn với lãi suất hấp dẫn để cho vay đến các dự án năng lượng tái tạo và các dự án sử dụng hiệu quả năng lượng, là một trong những trọng tâm ưu tiên trong chính sách cho vay của Ngân hàng Đầu tư châu Âu.
Trong hàng loạt giải pháp phát triển nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế (như nhập khẩu điện, phát triển thủy điện, hay điện hạt nhân) tại Việt Nam, sự xuất hiện của điện bằng sức gió, một nguồn điện có tốc độ phát triển cao nhất trên thị trường điện thế giới, giá thành không quá cao và rất thân thiện với môi trường rất đáng lưu tâm. Ưu điểm dễ thấy nhất của điện bằng sức gió là không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường như các nhà máy nhiệt điện, dễ chọn địa điểm và tiết kiệm đất xây dựng.
Trạm điện bằng sức gió có thể đặt ở những địa điểm và vị trí khác nhau, với những giải pháp rất linh hoạt và phong phú. Các trạm điện bằng sức gió đặt ở ven biển cho sản lượng cao hơn các trạm nội địa vì bờ biển thường có gió mạnh. Những mỏm núi, những đồi hoang không sử dụng được cho công nghiệp, nông nghiệp cũng có thể đặt được trạm điện bằng sức gió. Trên mái nhà cao tầng cũng có thể đặt trạm điện bằng sức gió dùng cho các nhu cầu trong nhà và cung cấp điện cho thành phố khi không dùng hết điện.
Một trạm 40kW có thể đủ cho một xã vùng cao, một đoàn thăm dò địa chất hay một khách sạn du lịch biệt lập, nơi đường dây chưa thể vươn tới được. Một nông trường cà phê hay cao su trên cao nguyên có thể xây dựng trạm điện bằng sức gió hàng trăm hoặc hàng ngàn kW, vừa phục vụ đời sống công nhân, vừa cung cấp nước tưới và dùng cho xưởng chế biến sản phẩm...