Ngày Môi trường Thế giới 5/6: Hành động chống lại sự biến đổi khí hậu

Cập nhật: 03/06/2009
Theo nghiên cứu mới nhất được công bố của Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp làm tăng tỷ lệ bệnh sốt rét, tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Tháng 5, tháng hành động vì môi trường và hướng tới kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới 5-6 với khẩu hiệu “Hành tinh đang cần bạn” - Tất cả chúng ta cần chung tay cùng hành động chống lại sự biến đổi khí hậu.

Dự báo bình quân mỗi năm trên thế giới có khoảng 150.000 người chết và 5 triệu người khác mắc các loại bệnh như sốt rét, tiêu chảy, suy dinh dưỡng... Nguyên nhân chính là do hàng loạt các yếu tố sinh thái bị biến đổi, dẫn đến sinh quần của các loài côn trùng gây hại biến động cả về số lượng và mức độ gây hại, trở nên khó phòng trừ và chữa trị hơn.

Kết quả nghiên cứu của GS.TSKH Trương Quang Học, GS.TS Trần Đức Hinh, ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho thấy: “Bệnh tật và sự chết chóc dưới tác động của biến đổi khí hậu là một quá trình liên quan với nhau, thông qua nhiều cơ chế tác động và khâu cuối cùng là nguyên nhân gây bệnh dẫn đến ốm đau và tử vong cho con người.

Đấy chính là nhiệt độ tăng cao quá mức làm người bị bệnh tim, người già và trẻ nhỏ tử vong; những hiện tượng cực đoan của khí hậu gây chết người và mùa màng thất bát dẫn đến dịch bệnh, suy dinh dưỡng gia tăng làm giảm khả năng kháng bệnh ở người”.

 

Biến đổi khí hậu và tác động của nó đến sự sống trên hành tinh đã trở thành vấn đề toàn cầu nóng bỏng. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường thiên nhiên đã trở thành mục tiêu và nguyên tắc phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy không xếp vào Top 10 thành phố bị đe dọa, nhưng Hà Nội cũng là nơi phải chịu tác động khá nhiều của biến đổi khí hậu. Cường độ mưa đang có xu hướng tăng lên rõ rệt trên phần lớn lãnh thổ, lượng mưa có xu hướng giảm đi trong tháng 7, 8 nhưng lại tăng lên trong các tháng 9, 10, 11.

Thời điểm mưa đã thay đổi, mùa khô kéo dài hơn, mùa mưa nhiều mưa hơn, khiến cho hạn hán và lũ lụt đều có chiều hướng tăng lên. Ngoài các biểu hiện bất bình thường của thời tiết do biến đổi khí hậu kể trên, môi trường Việt Nam còn đang bị hủy hoại bởi các yếu tố chủ quan do những hoạt động thiếu ý thức của con người. Ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung, tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm… đã ở mức báo động. ở khu vực nông thôn, nhiều con sông đang trở thành những dòng sông chết; nhiều cánh đồng màu mỡ đang bị hại bởi các nhà máy gây ô nhiễm và các sân golf.

 

Cùng với những nguyên nhân khách quan mang tính toàn cầu, thì những nguyên nhân chủ quan, làm cho tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta thêm trầm trọng. Những biến động bất thường về thời tiết ở nước ta trong vòng 50 - 60 năm trở lại đây cho thấy những cảnh báo trên rất đáng quan tâm. Nếu không chủ động ứng phó, hậu quả xảy ra rất nghiêm trọng và khó lường. Trước mắt nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân, gây khó khăn, thậm chí làm phá sản các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, do ô nhiễm nguồn nước và không khí vì biến đổi khí hậu gây các bệnh phổi; thành phần vật truyền nhiễm (véc-tơ truyền bệnh) có giai đoạn sống trong nước thay đổi, nên thay đổi về nhịp điệu và bản chất các dịch bệnh do véc-tơ truyền; gia tăng các bệnh truyền qua môi trường nước nhất là sau các trận mưa kéo dài gây ngập úng... ở Việt Nam, thời gian qua nhiều bệnh và dịch bệnh đã bùng phát sau lũ lụt.

 

Một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu là sự gia tăng về cường độ, số lượng và độ bất thường của thiên tai. Như một quy luật, sau thiên tai môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng từ các nguồn gây ô nhiễm bị ngập là nguyên nhân bùng phát các dịch bệnh đường ruột và các bệnh lây lan theo nguồn nước khác, bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến.

 

Để giảm thiểu sự gia tăng các loại dịch bệnh nguy hiểm do biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng Dự án Cơ chế phát triển sạch, đồng thời xây dựng hệ thống thể chế chính sách và dịch vụ về sức khỏe môi trường Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, Tiến sĩ Asha-Rose Migiro cho rằng: “Để đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần tăng cường năng lực của các nhà chức trách và nhân dân địa phương thông qua việc trao quyền và khuyến khích sự tham gia của họ; tăng cường các dịch vụ xã hội cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất; tăng cường công tác nghiên cứu, đặc biệt nhằm nâng cao khả năng tồn tại của các phương tiện làm ăn sinh sống trong hoàn cảnh bất lợi ở nông thôn.

 

Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia đối phó với biến đổi khí hậu. Điều đó sẽ góp phần lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, chiến lược và kế hoạch phát triển của các ngành và các tỉnh, thành phố. Liên Hợp Quốc ưu tiên hỗ trợ Việt Nam trong việc lồng ghép này”.

 

Tuy vậy, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cần phải được lồng ghép với Chương trình mục tiêu Quốc gia về sức khỏe môi trường, vệ sinh môi trường ở tất cả các nội dung, giải pháp và được các cấp ở địa phương thực hiện sâu rộng mới có thể phòng ngừa được các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, lây lan trên diện rộng.

Nguồn: monre.gov.vn