Nhân rộng mô hình tỉa thưa rừng ở Bắc Kạn

Cập nhật: 10/11/2022
Thời gian qua, Bắc Kạn triển khai dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (KfW8) do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ. Hiệu quả của dự án nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, việc nhân rộng còn đang khó khăn.

Một diện tích rừng keo đã tỉa thưa theo dự án tại huyện Chợ Mới.

Gia đình chị Nông Thị Viên, thôn Bản Còn, xã Thanh Thịnh (Chợ Mới) tham gia dự án với diện tích 10ha, hiện nay, rừng keo đang ở tuổi thứ 9.

Chị Viên cho biết, trước khi tham gia dự án, rừng keo của chị trồng với mật độ khoảng 2.500 cây/ha, rất nhiều cây chất lượng thấp, bị cong và sâu bệnh.Theo hướng dẫn của dự án, chị Viên đã tỉa thưa rừng kết hợp trồng cây bản địa dưới tán rừng.

Rừng keo sau 2 lần tỉa thưa và trồng cây lim xanh đang phát triển rất tốt. Theo tính toán, nếu không tỉa thưa, trong 12 năm chị Viên sẽ thực hiện trồng 2 chu kỳ keo. Mỗi chu kỳ, giá trị thu hoạch đạt 65 - 70 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lại khoảng 35 triệu đồng/ha. Với 10ha sau 12 năm, chị Viên thu được khoảng 700 triệu đồng.

Thực hiện tỉa thưa rừng keo theo dự án, sau 2 lần tỉa thưa, chị Viên đã thu được 20 triệu/ha, sau trừ chi phí. Sau 3 năm nữa khi khai thác trắng, sẽ thu được khoảng 300 triệu/ha. Như vậy, với 10ha keo tỉa thưa thành rừng gỗ lớn sau 12 năm, chị Viên sẽ thu về hơn 3 tỷ đồng. Nếu được cấp chứng chỉ FSC, giá trị rừng keo sẽ còn cao hơn nữa. Rừng keo được khai thác trắng thì những cây lim, dổi dưới tán sẽ phát triển nhanh hơn, trở thành tầng, tán rừng mới.

Cũng tham gia Dự án KfW8, chị Tạ Thị Vân thôn Bản Còn, xã Thanh Thịnh (Chợ Mới) thực hiện tỉa thưa rừng keo với diện tích 7ha. Chị Vân đã thực hiện tỉa thưa xong lần đầu được 4 ha, được cấp cây bản địa trồng dưới tán rừng. Theo chị Vân, rừng keo sau tỉa thưa phát triển rất tốt, cây lớn rất nhanh, đến chu kỳ khai thác (đủ 12 năm) chắc chắn sẽ cho sản lượng gỗ lớn.

Dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (KfW8) do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức từ năm 2016-2022. Dự án nhằm cải thiện năng lực quản lý rừng, chú trọng gia tăng giá trị đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái rừng, hiệu quả kinh tế thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh.

Tham gia dự án là những lô rừng keo có nguồn gốc trồng từ hạt 2 - 4 tuổi; mật độ cây từ 1.000 cây/ha trở lên; có trên 40% số cây trong lô đạt chất lượng tốt, là những cây có thể chuyển hóa thành cây gỗ lớn.

Dự án tiến hành tỉa thưa lần 1 khi rừng keo 4 tuổi; hỗ trợ người dân một số loài cây bản địa như lim xanh, dổi xanh, trám trắng để trồng vào 20% diện tích lô rừng sau tỉa thưa lần 1, tương đương 417 cây/ha; tỉa thưa lần 2 khi rừng keo 8 tuổi; khai thác khi rừng keo 12 tuổi. Dự án hỗ trợ quá trình chăm sóc và tỉa thưa rừng trồng hơn 9,6 triệu đồng/ha.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Mỹ Hải cho biết, sau tỉa thưa, cây keo hạn chế được sâu bệnh, sinh trưởng nhanh hơn, có trữ lượng gấp đôi so với rừng không tỉa thưa. Cây keo chất lượng tốt hơn do trong quá trình tỉa thưa đã loại bớt những cây chất lượng kém, đường kính cây tăng lên nên tỷ lệ lõi cao hơn.

Rừng keo 7 - 8 tuổi đã được tỉa thưa cho sản lượng gỗ khoảng 80 - 100m3/ha, gấp đôi so với rừng keo cùng tuổi không tiến hành tỉa thưa, nếu để đến năm 12 tuổi thì có thể đạt trên 200 m3/ha. Rừng keo tỉa thưa cây có kích cỡ lớn hơn (có thể xẻ gỗ) nên giá trị bán được sẽ cao hơn 3 - 4 lần so với rừng keo không được tỉa thưa. Ngoài hiệu quả về kinh tế, rừng được tỉa thưa góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu nguy cơ xói mòn, tăng độ màu mỡ và độ ẩm cho đất.

Hiệu quả từ tỉa thưa rừng thấy rõ và rất lớn nhưng việc nhân rộng ở Bắc Kạn lại đang rất khó khăn. Một số địa bàn tại huyện Ngân Sơn, người dân bỏ không tham gia dự án; tại huyện Chợ Mới hàng trăm ha rừng đã tham gia dự án nhưng người dân đã bán non. Nguyên nhân là do phần lớn các hộ dân gặp khó khăn trong cuộc sống, cần tiền để mua sắm, chi tiêu... nên đã phải bán rừng non, dẫn tới sản lượng gỗ thấp, đất bị quay vòng nhanh, bạc màu. Kỹ thuật tỉa thưa theo dự án lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam nên chưa có kết quả để người dân tham quan học tập.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, kỹ thuật tỉa thưa và trồng cây bản địa dưới tán theo dự án KfW8 là biện pháp kỹ thuật lâm sinh rất phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Bên cạnh tăng hiệu quả kinh tế, với tầng cây bản địa dưới tán, phương pháp này còn giữ độ che phủ rừng liên tục, không bị mất rừng khi khai thác trắng gỗ keo tỉa thưa. Bắc Kạn sẽ chỉ đạo áp dụng rộng rãi phương pháp này trong thời gian tới thông qua đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế, lấy ngắn nuôi dài để duy trì tỉa thưa chu kỳ dài đối với rừng trồng.

Để nhân rộng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã giao ngành nông nghiệp, trên cơ sở kết quả dự án KfW8, tham mưu nhân rộng dự án trong năm 2023, giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương; rà soát và đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn để hỗ trợ người dân nhân rộng dự án.

Tuấn Sơn - Hương Dịu

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 09/11/2022