Theo một Báo cáo gần đây của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương là do rác thải nhựa.
Ảnh minh hoạ. ITN
Báo cáo của WWF cho biết, mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương. Báo cáo cũng dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khiến lượng rác thải nhựa trên đại dương tăng gấp 4 lần.
Rác thải nhựa trong đại dương có nguồn gốc từ đất liền, bị cuốn theo những dòng chảy từ các đô thị, do tràn cống, xả rác, chất thải từ các hoạt động công nghiệp và xây dựng...
Ô nhiễm nhựa trên đại dương cũng bắt nguồn từ ngành đánh bắt cá, các hoạt động hàng hải và nuôi trồng thủy sản. Nan giải hơn, dưới tác động của bức xạ tia cực tím, gió, dòng chảy và các yếu tố tự nhiên khác, nhựa bị phân hủy thành các hạt nhỏ được gọi là hạt vi nhựa hoặc nano nhựa. Kích thước nhỏ khiến chúng dễ dàng bị các sinh vật biển vô tình ăn phải.
Ô nhiễm nhựa đại dương đã tác động đến sự sống của các loài sinh vật biển như rùa biển, cá voi, chim biển, cá, rạn san hô và vô số loài sinh vật biển và môi trường sống khác. Trên thực tế, các nhà khoa học ước tính rằng hơn một nửa số rùa biển trên thế giới và gần như mọi loài chim biển trên Trái đất đã ăn nhựa trong suốt cuộc đời của chúng. Ô nhiễm nhựa cũng ảnh hưởng đến cảnh quan của những bãi biển đẹp trên toàn thế giới, ngay cả ở những vùng xa xôi như đảo san hô Midway. Theo Báo cáo của WWF, 88% các loài sinh vật biển mà tổ chức này nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm nhựa rất nghiêm trọng. Ít nhất có 2.144 loài phải sống trong môi trường ô nhiễm nhựa.
Lâm Hà