Chủ trương thiết lập “Khu Dự trữ Sinh quyển ĐBSCL” là kết quả của diễn đàn bảo tồn thiên nhiên và văn hóa ĐBSCL lần thứ nhất vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, với chủ đề “Dự trữ Sinh quyển và Phát triển Nông thôn Bền vững”.
Diễn đàn do Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Ủy ban Con người và Sinh quyển của UNESCO, Đại học Cần Thơ tổ chức, có nhiều nhà quản lý và khoa học tham dự.
Theo GS.TS Đoàn Cảnh (Viện Sinh học Nhiệt đới TPHCM), xét trên phạm vi toàn thế giới, ĐBSCL được xem như khu đất ngập nước, chiếm 9% diện tích lưu vực và 11% dòng chảy sông Mekong. Nơi đây nổi tiếng cực kỳ về đa dạng sinh học, với khoảng 20.000 loài cây cỏ, 1.300 loài cá, 1.200 loài chim, 800 loài rắn, ếch nhái, 430 loài động vật có vú…Tính chất phong phú về đa dạng sinh học của lưu vực sông Mekong vừa được nêu bật thêm trong báo cáo mới nhất của WWF. Theo đó, từ năm 1997 đến 2007, phát hiện thêm 1.068 loài sinh vật mới… Đây là một khám phá chưa từng thấy.
Sự hình thành ĐBSCL từ các cuộc tranh chấp sông biển và vị trí địa lý tự nhiên tạo nên sự đa dạng về cảnh quan và sinh vật. Tuy nhiên, quá trình khai thác ĐBSCL tác động mạnh đến thiên nhiên, dễ thấy nhất là phá vỡ cấu trúc tự nhiên của đất.
Hệ thống thủy lợi để canh tác lúa từ diện tích chỉ có 2,062 triệu ha với sản lượng 4,6 triệu tấn năm 1976 lên xấp xỉ bốn triệu ha với sản lượng 20 triệu tấn năm 2008 đã chia cắt ĐBSCL thành nhiều ô nhỏ. Việc tôn đất làm đường, khu dân cư, khu công nghiệp, đem nước mặn vào nuôi thủy sản đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn và đa dạng của ĐBSCL.
Trong khi đó, việc lưu trữ các nguồn gene quý ở kho lạnh hay nuôi, trồng trong trại thực nghiệm, nhằm bảo tồn chúng, đều không mang lại kết quả mong muốn.
Đã đến lúc phải chuyển từ khai thác để phát triển sang chiến lược bảo tồn để phát triển. Cần có chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, gắn chặt với việc bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể là sử dụng hợp lý đất, quản lý tổng hợp lưu vực sông, bảo vệ rừng, trồng rừng, quản lý tốt các khu bảo tồn thiên nhiên.
ĐBSCL là hạ nguồn của lưu vực sông Mê Kông, có tổng diện tích khoảng 3,9 triệu héc ta với một hệ thống kênh mương dày đặc kết nối giữa các nhánh sông. Đây là nơi sinh sống của 17 triệu người ở 13 tỉnh, thành phố ở phía Tây Nam của Việt Nam. Theo đánh giá của WWF, khu vực này có giá trị đặc biệt quan trọng về cả về đa dạng sinh học lẫn văn hóa ở khu vực.
Bảo tồn vì sự phát triển bền vững, vai trò quyết định là ở chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của nhân dân, vừa giữ được tính toàn vẹn các hệ sinh thái vừa đảm bảo sinh kế của dân.
Các đại biểu thống nhất, diễn đàn sẽ được tổ chức hàng năm để tạo dựng mối liên kết, tăng cường sự tham gia của các bên trong xây dựng kế hoạch và thực hiện.