Tạo sức bật cho du lịch vùng Đông Nam Bộ - Bài 2: Gắn kết cùng phát triển

Cập nhật: 01/12/2022
Nhiều chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch được ký kết ở các địa phương vùng Ðông Nam Bộ, nhưng chưa đem lại hiệu quả, khiến việc trao đổi thị trường giữa các địa phương, mở rộng thu hút các thị trường khách trong nước, quốc tế và đầu tư đến vùng Ðông Nam Bộ còn hạn chế...

Khách du lịch trải nghiệm tour đạp xe, đi bộ xuyên rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Ðồng Nai. (Ảnh Hà Văn)

Liên kết hợp tác du lịch vùng Ðông Nam Bộ đã được các tỉnh, thành phố ký kết giai đoạn 2020-2025, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương nói riêng và du lịch vùng nói chung. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, nên sự gắn kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng chưa thật sự chặt chẽ.

Hợp tác chưa hiệu quả

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Nai Lê Thị Ngọc Loan chia sẻ: Ðối với việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Ðông Nam Bộ, tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị kích cầu, khảo sát sản phẩm du lịch, bồi dưỡng nguồn nhân lực, triển lãm về du lịch để quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch nhằm phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Nhờ đó, đến tháng 11 năm 2022, ngành du lịch Ðồng Nai đã đón được khoảng hai triệu lượt khách, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.117 tỷ đồng, vượt hơn 15% so với kế hoạch cả năm 2022. Bà Lê Thị Ngọc Loan cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động liên kết du lịch vùng Ðông Nam Bộ chủ yếu tham gia các sự kiện của nhau, chưa tạo được sản phẩm du lịch chung nổi bật của vùng. Cơ chế liên kết định kỳ mỗi năm, các địa phương luân phiên làm cụm trưởng; tuy nhiên, điều kiện phát triển du lịch của mỗi địa phương khác nhau, nên vai trò đầu tàu không được phát huy cao.

Thực tế là, trước đại dịch Covid-19, mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh đón khoảng 40 triệu lượt khách. Sau đại dịch, thành phố đã huy động gần 100 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm tham quan tham gia các chương trình khuyến mãi, giá ưu đãi, khuyến mãi sâu đến 50% giá trị sản phẩm. Mới đây, ngành du lịch thành phố còn phối hợp với các doanh nghiệp công bố và triển khai 42 chương trình du lịch nội đô tại thành phố Thủ Ðức và 21 quận, huyện. Ngoài ra, Sở Du lịch còn phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tung ra sáu chương trình du lịch mới mang tính đặc trưng của thành phố. Có thể thấy, chính sách kích cầu du lịch chỉ gói gọn trong Thành phố Hồ Chí Minh, chưa thể hiện được hết vai trò đầu tàu liên kết phát triển du lịch trong vùng cùng phát triển. Với góc độ nhà làm du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel cho rằng: Lâu nay, việc liên kết và xúc tiến phát triển du lịch vùng Ðông Nam Bộ chưa được chú trọng, vẫn còn thiếu các sản phẩm liên tuyến, liên vùng có giá tốt dành cho du khách. Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm phát triển sản phẩm du lịch đường thủy thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục liên kết với tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai và các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn. Các tỉnh trong vùng cần xây dựng hệ thống các nhà chờ, bến đậu, cũng như nâng cao chất lượng môi trường nước trên hai con sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai. Tương tự, tại Bình Phước để liên kết vùng, cần sớm khắc phục những hạn chế, khó khăn, nhất là hạ tầng du lịch như: hệ thống lưu trú du lịch số lượng ít, quy mô nhỏ, tỉnh chưa có sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, chưa có sản phẩm đặc trưng, khác biệt…

Không để "đèn ai nấy rạng"

Trong liên kết vùng phát triển du lịch trở ngại lớn nhất vẫn là khoảng cách về địa lý. Nhiều du khách than phiền vì việc phải di chuyển nhiều giờ để đến một địa điểm du lịch. Chị Ðào Mộng Trinh, hướng dẫn viên một công ty du lịch, nhận định: "Chúng tôi đưa đoàn từ Thành phố Hồ Chí Minh tham quan xong Núi Bà, Tòa thánh Cao Ðài là hết một ngày. Muốn chiêm ngưỡng thêm các tháp cổ hay đi hồ Dầu Tiếng phải ở lại để hôm sau đi. Tuy nhiên khách sạn ở Tây Ninh chưa nhiều, chưa đủ tiện nghi để đón các đoàn đông. Còn từ Tây Ninh đi xuyên qua Bà Rịa - Vũng Tàu hay qua Ðồng Nai thì phải quay lại Thành phố Hồ Chí Minh rồi đi các tỉnh khác. Do giao thông chưa thuận tiện nên đã hạn chế khách đi liên tuyến, liên tỉnh".

Hạn chế này được Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Ðông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 gỡ nút thắt về giao thông trong liên kết vùng. Nghị quyết nêu rõ, việc ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường Vành đai Thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; quan tâm phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao bắc-nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thiện hạ tầng, việc di chuyển qua lại giữa các điểm du lịch hết sức thuận lợi và thời gian di chuyển cũng được rút ngắn. Lúc đó, vấn đề cốt lõi là xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi tỉnh, thành phố để thu hút du khách. Ðánh giá về sản phẩm du lịch liên kết vùng, bà Phan Yến Ly, chuyên gia du lịch cho biết: Phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng phải có nét đặc sắc để thu hút du khách và luôn cần sự liên kết để phát triển; trong đó, chú trọng liên kết giữa các điểm đến, liên kết giữa các vùng, liên kết với các công ty du lịch…

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước thực hiện hiệu quả việc kết nối, liên kết vùng trong phát triển du lịch. Thành phố đã đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố miền trung và các tỉnh, thành phố miền bắc, 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để có những tour kích cầu nội địa hấp dẫn với chất lượng và giá cả hợp lý. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Ðông Nam Bộ có ba sản phẩm liên vùng được các tỉnh đẩy mạnh khai thác bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương; Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh - Ðồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu… Ðây là những sản phẩm kết hợp các điểm đến du lịch đặc trưng của từng tỉnh, thành phố Ðông Nam Bộ. Ðể đẩy mạnh du lịch vùng, các tỉnh, thành phố cần rà soát lại các sản phẩm trên để có sự nâng cấp, bổ sung những điểm đến, sản phẩm mới nhằm tạo ra sức hấp dẫn cũng như để phù hợp với nhu cầu đi du lịch của du khách.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng, trong công tác phát triển sản phẩm du lịch, việc định vị sản phẩm du lịch đặc sắc của từng vùng nhằm tạo sức hút đối với du khách khi đến mỗi địa phương là rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy ở nhiều vùng, sự liên kết du lịch khó hiệu quả vì các địa phương đều có các sản phẩm du lịch na ná nhau. Xây dựng những sản phẩm du lịch khác biệt, khi liên kết lại sẽ tạo ra một chuỗi sản phẩm phong phú, hấp dẫn du khách. Ngoài ra cần coi trọng quảng bá xúc tiến và phải cùng nhau xây dựng, giới thiệu đến du khách những sản phẩm đặc trưng cho toàn vùng; xây dựng thương hiệu, slogan cho toàn bộ vùng, chứ không làm một cách riêng lẻ như các địa phương đang làm hiện nay.

Theo đó, tỉnh Ðồng Nai phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương tổ chức cho 50 doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan truyền thông tham gia khảo sát để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp. Tỉnh đã mời gọi đầu tư sáu dự án du lịch sinh thái lớn trên địa bàn, với tổng số vốn hơn 1,1 tỷ USD. Còn Bình Phước có nhiều yếu tố tạo đà phát triển du lịch đa dạng, tuy nhiên tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy, số khách du lịch đến tỉnh hằng năm chưa đến một triệu lượt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết: Nắm bắt cơ hội liên kết vùng để phát triển du lịch, Bình Phước đang tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm, khuyến khích ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, sân golf, khách sạn, các khu vui chơi giải trí với quy mô lớn, hiện đại.

Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vùng Ðông Nam Bộ với định hướng khai thác sản phẩm đặc trưng như: Du lịch MICE, du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm; du lịch biên giới gắn với cửa khẩu. Theo tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Ðông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vùng Ðông Nam Bộ trở thành trung tâm du lịch khu vực Ðông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Với sự nỗ lực liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng thương hiệu, slogan cho toàn bộ vùng; sự đầu tư để hoàn thiện hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch… trong tương lai gần, vùng Ðông Nam Bộ sẽ là điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế.

Nhóm phóng viên tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 01/12/2022