Các mô hình phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số nhiều năm gần đây phát triển nở rộ, giúp người dân có thêm thu nhập ổn định, giảm nghèo và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Những ngày cuối tuần, bản Thượng, thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng - nơi cao nhất thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) lại rộn ràng tiếng nói cười của du khách. Từ giữa năm nay, nơi đây là điểm đến "gây sốt" của khách du lịch nhất là khách đi phượt, hay nhóm gia đình, bạn bè.
Vượt qua khoảng 60 km đường rừng với nhiều đoạn quanh co, sương mù bao phủ, bù lại du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, khoáng đạt với rừng trúc, rừng dổi nguyên sinh được người Dao gìn giữ, để chèo thuyền trên các con suối nhỏ và được thưởng thức cá suối, ốc suối nấu mẻ, khoai sọ nương, gà bản hay được ngâm, tắm lá thuốc người Dao...
Homestay Am Váp Farm giữa rừng già Kỳ Thượng nơi xa nhất thành phố Hạ Long.
Những lợi thế tự nhiên tại bản Thượng, thôn Khe Phương đã được anh Lý Tài Ngân, người Dao cùng các cộng sự thực hiện mô hình du lịch cộng đồng có tên Am Váp Farm. Mô hình khai thác nhiều sản phẩm văn hóa địa phương dưới những nếp nhà sàn thơm mùi gỗ Sa Mộc ẩn hiện dưới màu xanh của rừng già.
Anh Lý Tài Ngân, Giám đốc công ty Am Váp Farm ở xã vùng cao Kỳ Thượng cho biết: "Ban đầu thì người dân không ủng hộ lắm. Du khách lên đây, bà con có thể bán khoai sọ nương, rau cải, mật ong trực tiếp cho người dân nên người trong bản rất ủng hộ. Bà con cũng đi hái lá thuốc trên rừng để cung cấp cho công ty đã tạo nguồn thu nhập thêm cho người dân".
Lao động chính tại khu nghỉ dưỡng này là người Dao.
Không trực tiếp làm các mô hình lưu trú hay homestay, anh Đỗ Đức Uyên, người Tày, HTX Thảo mộc Tuệ Lâm, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu lại chọn làm các loại tinh dầu xả, hồi, quế, bưởi...vốn là nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Đây là những sản phẩm OCOP của Quảng Ninh và chủ yếu được phân phối ở dịp xúc tiến thương mại, hội chợ...Gần đây, những sản phẩm này được HTX đưa vào các cơ sở lưu trú và bày bán tại Lễ hội mùa vàng hay Lễ hội hoa Sở Bình Liêu được du khách ưa chuộng.
Anh Đỗ Đức Uyên cho biết: "Ở Lễ hội mùa vàng, mỗi quầy hàng bán được 2 đến 3 triệu đồng một ngày. Và cứ gom nhiều ngày thì đây là doanh thu rất lớn với chúng tôi. Tiêu thụ được hàng thì chúng tôi cũng khuyến khích bà con đi thu mua nguyên liệu nhiều hơn, trước đây thu mua nhỏ lẻ và thuê thêm nhân công mới kịp làm".
Dù tham gia vào khâu nào, thì những người dân như anh Lý Tài Ngân hay Đỗ Đức Uyên cũng đang góp phần phát triển và hưởng lợi từ du lịch cộng đồng. Điều quan trọng là với loại hình du lịch giá rẻ này, du khách không chỉ được đến các bản làng, trải nghiệm thực tế mà còn được hòa vào nhịp sống của người dân bản địa. Du lịch cộng đồng đang giúp người dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống, tự tin giao tiếp, biết giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và quan trọng nhất là lan tỏa những giá trị văn hóa hóa đặc sắc của người bản địa.
Mâm cơm với gà bản, xôi nếp nương, nhộng ong, cá suối..
Ông Lại Văn Toàn, người có nhiều năm tâm huyết, nghiên cứu và đang làm du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương trong cả nước cho biết giá trị của du lịch cộng đồng là rất lớn, nhưng nhiều nơi mới chạm được "vỏ ngoài" mà chưa đi tới phần "lõi".
"Chúng ta có thể cầm tay chỉ việc cho một cộng đồng, tạo lập rất nhanh các lễ hội trong vòng 1 tuần để đón khách du lịch, dựng nhà sàn, các bản rất giống với hình mẫu bản địa. Nhưng điều quan trọng là lõi của du lịch cộng đồng này thì chưa được làm đúng chất. Cộng đồng dân cư tại khu vực đó phải được tham vấn ngay từ đầu và nguyện vọng của họ ra sao, và tư vấn ra sao để cả vùng đất đó gồm địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, môi trường và cả bản sắc văn hóa. Làm sao để phục hồi các làng nghề, bản sắc văn hóa của cộng đồng đó và đưa họ đi lên từ nội lực của chính họ chứ không phải trông chờ vào nguồn vốn, các nhà tài trợ..." - ông Lại Văn Toàn phân tích.
Du lịch cộng đồng đang giúp người dân bản địa cải thiện cuộc sống, tự tin giao tiếp, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.
Đây cũng chính là trăn trở của những người đứng đầu huyện Bình Liêu, nơi có tới 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Để thúc đẩy phát triển du lịch bài bản, chuyên nghiệp, huyện Bình Liêu kết hợp với một đơn vị làm du lịch xây dựng các kịch bản, đào tạo kỹ năng cho bà con dân bản và hướng tới bảo tồn những giá trị văn hóa người Tày, Dao, Sán Chỉ khi làm du lịch cộng đồng.
Ông Phùng Hữu Ngọc Anh - Tổng giám đốc Cty CP Du lịch Hà Nội, đơn vị triển khai các dự án du lịch cộng đồng tại Bình Liêu khẳng định: "Chúng tôi sẽ đào tạo lại, đào tạo tại chỗ và cầm tay chỉ việc cho đồng bào làm. Đặc biệt chúng tôi muốn lưu giữ và bảo tồn nét kiến trúc nhà của người Dao Thanh Phán, Tày, Sán Chỉ để phục vụ cho du khách. Để các thế hệ sau này vẫn được lớn lên ở những mái nhà này và giúp du khách hiểu được hơn về văn hóa về tiếng nói của dân tộc mình".
Phát triển du lịch cộng đồng, dù còn nhiều việc phải làm nhưng đã góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số đến với đông đảo du khách. Điều đáng quý là loại hình du lịch này đã giúp người dân nhận ra nhiều giá trị, phát huy ý chí tự chủ, tự vươn lên. Số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền./.
Vũ Miền