Kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, Quảng Ninh luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Năm 2022 ghi dấu ấn sự trở lại đầy sôi động của các hoạt động KT-XH sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, đồng thời cũng ghi nhận rất nhiều nỗ lực của công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao công tác quản lý môi trường
Để hiệu quả bảo vệ môi trường được nâng cao một cách bền vững, công tác quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường được đặc biệt được chú trọng. Trong năm 2022, HĐND tỉnh đã thông qua 3 nghị quyết gồm: Nghị quyết 84/2022/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số loại phí, lệ phí; Nghị quyết 92/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 về quy định phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết 93/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các nghị quyết này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở cho mọi hoạt động quản lý được đi vào nền nếp và thống nhất.
UBND tỉnh cũng đã ban hành một số kế hoạch, quyết định về quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; quy chế quản lý, khai thác phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường tỉnh.
Hệ thống quan trắc môi trường hiện đại của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh được lắp đặt tại các địa phương.
Nhằm hạn chế tối đa việc phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, UBND tỉnh yêu cầu các dự án trước khi được đầu tư đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong năm 2022, có 54 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), 31 hồ sơ cấp giấy phép môi trường đã được phê duyệt.
Quảng Ninh đã không ngừng ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng, củng cố các bộ cơ sở dữ liệu về quản lý tài nguyên và môi trường. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện đã có 157 trạm quan trắc môi trường tự động được đầu tư lắp đặt và đi vào hoạt động, chuyển tải liên tục, trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND các địa phương công khai thông tin môi trường cho người dân được biết, giám sát. Hằng năm, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh đã thực hiện các chương trình quan trắc môi trường định kỳ tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Trong đó, khu vực nông thôn có 21 vị trí quan trắc không khí xung quanh, 61 vị trí quan trắc nước mặt phục vụ mục đích sinh hoạt, 16 vị trí quan trắc nước mặt phục vụ các mục đích khác, 52 vị trí quan trắc nước biển ven bờ, 23 vị trí quan trắc môi trường đất.
Tỉnh cũng đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên, môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ô nhiễm nguồn nước Vịnh Hạ Long, xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ công tác quản lý môi trường tỉnh... Đây là những cơ sở quan trọng, cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin môi trường để hoạch định chính sách, phục vụ phát triển KT-XH.
Với những hoạt động liên quan đến KT-XH có tác động trực tiếp đến môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đều có những giải quyết kịp thời. Trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, tổ chức 12 cuộc kiểm tra, làm việc đối với các đơn vị theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cũng như các phản ánh của người dân, cơ quan báo chí; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 17 đơn vị và phối hợp kiểm tra 29 đơn vị...
Hồ Trúc Bài Sơn là công trình thủy lợi điều hòa lũ, phục vụ tưới tiêu của huyện Hải Hà.
Đáng chú ý, ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu của nghị quyết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, carbon thấp.
Các mục tiêu này tiếp tục thể hiện quyết tâm xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Bảo vệ môi trường trong hoạt động dân sinh và phát triển du lịch
Để các kế hoạch, quyết định, chương trình được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, ý thức và hành động của cộng đồng là yếu tố quyết định. Trong năm 2022, các địa phương trên toàn tỉnh đã triển khai nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường và phát động đến từng thôn, khu; đặc biệt là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Giảm thiểu rác thải nhựa” đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân.
Cô Tô hướng tới là địa phương không rác thải nhựa để phát triển du lịch.
Mô hình 3R - phân loại rác tại nguồn được đẩy mạnh tại nhiều nơi, mang lại hiệu quả trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn. Các mô hình tại thôn, khu dân cư như "Tổ phụ nữ thu gom rác thải", "HTX thu gom rác thải" cũng giúp cho người lao động có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát. Với những chỉ đạo quyết liệt, các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được đưa vào vận hành, gồm: 5 khu xử lý liên vùng, liên huyện; 2 khu xử lý riêng cho một số xã đảo; đầu tư 20 lò đốt đã hoạt động và 7 lò đốt đang được trang bị mua sắm, đầu tư; 5 lò đốt đầu tư cho các xã, đảo, vùng sâu, vùng xa...
Các địa phương cũng tích cực thực hiện việc di dời những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. 100% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; 100% khu công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 96,2%. 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý. 98% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, 99,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Bảo vệ môi trường biển trên Vịnh Hạ Long.
Là địa phương ven biển, nơi có Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và rất nhiều khu du lịch biển đảo nổi tiếng, vấn đề bảo vệ môi trường trước hết được gắn bó mật thiết với sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn này tại Quảng Ninh. Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Quảng Ninh đã trở thành một địa phương đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm. Các sản phẩm du lịch xanh thân thiện với môi trường đã phát triển đa dạng hơn, như mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái ở Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái; mô hình HTX dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách tham quan làng chài Cửa Vạn, Vông Viêng; mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức của Công ty CP Du thuyền Đông Dương... Các mô hình du lịch thân thiện với môi trường này không những mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, mà còn góp phần phát huy những giá trị văn hóa, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho địa phương.
Riêng đối với hoạt động du lịch tại Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư 40 máy móc, 3 thiết bị xử lý nước thải, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm tham quan... Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ra quân thu gom rác thải rắn sinh hoạt tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát... 100% tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long đều đã lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra Vịnh Hạ Long, sử dụng toàn bộ chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy... để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành trên vịnh. Bên cạnh đó, tất cả các công trình nổi tại khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản đã được thay thế phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường.
Trước xu hướng du lịch biển đảo phát triển nhanh chóng đi liền với nguy cơ ô nhiễm môi trường, từ ngày 1/9/2022, huyện Cô Tô đã tiên phong thí điểm xây dựng “Huyện đảo không rác thải nhựa”. Cô Tô đã yêu cầu du khách không mang chai nhựa, túi nilon, các vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại huyện đảo này, đảm bảo giữ gìn cảnh quan và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song công tác bảo vệ môi trường đã và đang trở thành mục tiêu gắn liền với các hoạt động phát triển KT-XH trên địa bàn Quảng Ninh trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2022 với hàng loạt các hoạt động phục hồi sau đại dịch Covid-19. Điều này khẳng định sự kiên trì, quyết tâm của Quảng Ninh nhằm đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, từ đó tạo nền tảng hình thành nền kinh tế xanh hướng tới phát triển toàn diện, vững bền.
Phương Loan - Hùng Sơn