Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, là vùng biên giới nên thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang có những nét riêng về văn hóa, xã hội so với các vùng miền khác. Tân Châu đang tận dụng các lợi thế ưu đãi của tự nhiên để phát triển các sản phẩm OCOP gắn phát triển du lịch.
Những sản phẩm đặc trưng
Ông Lê Trọng Oanh, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Tân Châu thông tin, phát triển sản phẩm OCOP là cơ sở để phát huy và nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng, truyền thống, sản phẩm có thế mạnh của vùng đất biên thùy. Việc hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm không chỉ mở ra cơ hội phát triển ngành nông nghiệp ở địa phương, mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân… Và thời quan qua, các cấp, ngành, đoàn thể đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP để người dân và hộ sản xuất - kinh doanh thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi tham gia thực hiện chương trình.
Mắm chao cá mè vinh đặc trưng của Tân Châu
Đến nay, Tân Châu có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 1 sản phẩm đã đề nghị tham gia đánh giá, phân hạng Hội đồng OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm: tương hột và tương xay của Công ty TNHH SX–TM Thanh Hồ đạt 4 sao, sản phẩm Tung lò mò (lạp xưởng bò) và Lò mò Pđăm (khô bò) của hộ kinh doanh Anas đều đạt 3 sao; mắm chao cá mè vinh của hộ kinh doanh Ba Lộc đạt 3 sao. Hội đồng OCOP thị xã Tân Châu đánh giá và đề nghị tham gia đánh giá, phân hạng Hội đồng OCOP cấp tỉnh sản phẩm mắm cá mè vinh của Hộ kinh doanh sản xuất Bà Sáu.
Ông Lê Trọng Oanh bộc bạch, các sản phẩm trên đều phát huy được đặc trưng hương vị sông nước, trí tuệ và bản sắc văn hóa đất và con người vùng đất Tân Châu nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Các sản phẩm có hơn 75% nguyên liệu sử dụng nguyên liệu trong tỉnh An Giang như đường thốt nốt, đậu nành, cá, thịt bò. Từ các nguyên liệu cơ bản và thế mạnh của vùng đất An Giang, các chủ thể đã phát huy trí tuệ của con người vùng đất Tân Châu, từ đó, lưu giữ được hương vị mộc mạc của quê hương, giá trị truyền thống được phát huy và sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh các giá trị trên, các cơ sở sản xuất đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn thị xã.
Tung lò mò được nhiều người dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng
Bây giờ, tung lò mò của người Chăm xã Châu Phong đã được nhiều người trong và tỉnh biết đến. Ông Hứa Hoàng Vũ, chủ hộ kinh doanh ANAS cho biết, tung lò mò và lò mò PĐăm là món ăn quen thuộc của người Chăm trong ngày lễ Roya Haji. Nhận thấy các món ăn này có vị ngon lạ, từ năm 2012 ông Vũ chế biến tung lò mò chào bán ngoài cộng đồng người Chăm. Thời gian đầu, gặp nhiều khó khăn do hương vị chưa phù hợp với khẩu vị thực khách các tỉnh thành nên ông Vũ nghiên cứu rút ra công thức chế biến chung và dần dà được đón nhận. Theo ông Vũ, tung lò mò được thực khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng vì đây là sản phẩm của riêng vùng Tân Châu và đảm bảo chất lượng sản phẩm 100% là thịt bò. Để giữ thương hiệu, ông Vũ luôn chú trọng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm…
Hiện 1 kg tung lò mò giá từ từ 230.000 đến 250.000 đồng, vào các ngày lễ ngày Tết người dân, du khách các nơi tìm đến mua nhiều nên cơ sở phải thuê hơn 15 lao động mới làm đủ sản phẩm cung ứng. Từ thành công tung lò mò, năm 2021, ông Vũ nghiên cứu chế biến món lò mò PĐăm đưa ra thị trường và sản phẩm được đánh giá cao. Theo ông Vũ, từ ngày hai sản phẩm được công nhận OCOP thì giá trị tiêu thụ càng tăng, cụ thể qua hỗ trợ tư vấn, ông đã thiết kế mẫu mã bao bì cho sản phẩm đẹp hơn, cài mã QR trên bao bì nên khách quét mã truy xuất nhanh được nguồn gốc, trên bao bì còn giới thiệu công dụng của sản phẩm, cách chế biến bảo quản…
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh, ngụ TP Hồ Chí Minh nhưng có dịp về thị xã Tân Châu đều mua mắm cá mè vinh. Chị Ngọc Thanh cho biết, món này ăn ngon béo với hương vị riêng không lẫn với các loài mắm khác. Chị cũng cho biết, dù miền tây có rất nhiều mắm cá nhưng qua chắt lọc thì không nơi nào làm mắm cá mè vinh ngon như vùng đầu nguồn Tân Châu! Nói về món ăn này, chị Trần Thị Kim Ngân, đại diện cơ sở mắm chao mè vinh Ba Lộc chia sẻ, nghề làm mắm cá mè vinh tại thị xã Tân Châu đã có trên 40 năm với cách nêm nếp độc đáo riêng. Cá mè vinh phải đạt trọng lượng từ 700gram/con trở lên làm mắm mới đạt độ ngon, mắm chao mè vinh có hương vị đặc trưng vì những nguyên liệu làm mắm có cơm rượu, vị ngọt thanh của đường thốt nốt, vị mặn của muối nên thịt cá ngon béo… Mắm chao cá mè vinh dùng để chế biến chiên hoặc chưng với thịt băm và trứng, sau đó cho các gia bị như hành lá, gừng băm nhuyễn, tiêu, củ hành tím để tăng hương vị món ăn.
Chị Ngân nhẩm tính, từ khi sản phẩm được công nhận OCOP đến nay sản lượng sản xuất tăng so với trước, mỗi tháng tiêu thụ từ 300 đến 500kg mắm, đặc biệt ngày lễ, ngày tết khách đến đặt trước để làm quà biếu tặng người thân, đối tác làm ăn. Cơ sở cũng như mở được nhiều nhà phân phối mắm chao cá mè vinh tại TP Châu Đốc, TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), TP Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tây Ninh. Về sản phẩm thì có thay đổi về chất lượng hơn do cơ sở được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh hỗ trợ thiết bị máy móc như: máy thanh trùng, nồi nấu đường... từ đó chất lượng sản phẩm được nâng cao và cơ sở cũng giảm được nhiều chi phí phát sinh khi chưa có máy móc hỗ trợ.
Phát triển OCOP gắn với du lịch
Thời gian qua, Tân Châu đã hỗ trợ cho các chủ thể đạt chứng nhận OCOP tham gia Hội nghị kết nối cung cầu, các buổi tập huấn trực tuyến do Trung ương và tỉnh tổ chức như quản lý bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để quảng bá và phát triển sản phẩm OCOP. Ngoài ra, cũng hỗ trợ cho các chủ thể đã đạt chứng nhận OCOP và chủ thể tiềm năng tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm gian hàng sản phẩm trong và ngoài tỉnh để quảng bá, xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; hỗ trợ thực hiện đề án đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất theo chương trình khuyến công đối với Công ty TNHH SX–TM Thanh Hồ và ANas; 1 chủ thể đã được UBND tỉnh với số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng mở rộng sản xuất.
Sắp tới, tiếp tục duy trì hỗ trợ các chủ thể trong lập hồ sơ đề nghị công nhận, hỗ trợ về mặt chuyên môn để cơ sở lập dự án đầu tư trang bị trang thiết bị hiện đại phụ vụ sản xuất theo Chương trình khuyến công, hoàn thiện các hoạt động sản xuất nhằm bảo vệ môi trường, hỗ trợ thực hiện hồ sơ đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tiếp tục phát triển các sản phẩm từ nguồn nông sản có sẵn tại địa phương như trái cây, rau màu, lúa, cá và nhiều nguồn nguyên liệu sẵn có của Tân Châu; xây dựng trang web quảng bá sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP…
Tại Tân Châu có các sản phẩm du lịch như: du lịch sông nước cồn bãi; du lịch tâm linh gắn liền với các khu di tích đình, chùa, thánh đường, miếu…là cơ sở để gắn kết với sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng như: giới thiệu du khách thưởng thức tung lò mò, mắm cá mè vinh, bánh bò út Dứt, xoài thơm Vĩnh Hòa. Với những lợi thế và tiềm năng vốn có trên địa bàn, thời gian qua Tân Châu thực hiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư khai thác các tiềm năng du lịch, tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gồm: du lịch trên sông nước kết hợp cồn bãi sinh thái (khu vực Long Châu – Vĩnh Hòa); phần diện tích còn lại sẽ phát triển cây ăn trái (Xoài Thơm – đặc sản của vùng đất Vĩnh Hòa và rau màu phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, củng cố và phát triển các ngành nghề truyền thống Lụa Tân Châu, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm, dệt chiếu Uzu ở phường Long Châu.../.
Nam Phương