Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới cần tiếp tục đầu tư triển khai các nghiên cứu chuyên ngành, đa ngành, liên ngành liên quan đến hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) nhằm bảo tồn, phục vụ cộng đồng và khai thác du lịch, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Krông Nô là một hệ thống hang động trong đá bazan hình thành từ quá trình phun trào dung nham. Hang có cấu tạo đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hốc sụt; cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm. Hệ thống hang động thuộc Công viên địa chất Đắk Nông (có diện tích 4.760 km2, trải dài trên địa bàn 5 huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP Gia Nghĩa).
Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô vừa xác lập kỷ lục mới với tổng chiều dài hang C7 lên đến 1.266m. Ảnh: Đoàn khảo sát thám hiểm hang C7
UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, ông Laurens Smets, chuyên gia nghiên cứu về Hang động núi lửa người Hà Lan vừa có văn bản thông báo với Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông về kết quả đo, vẽ bổ sung sơ đồ Hang C7 (ống dung nham dài nhất Đông Nam Á nằm trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô). Theo thông báo, chiều dài mới xác lập của Hang C7 là 1.266m.
Như vậy, trong đợt khảo sát sau Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 tại Đắk Nông, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm một nhánh mới của Hang C7 với chiều dài được xác lập chính thức là 199m. Hiện các nhà nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện việc dựng hình ảnh đồ họa 3D cho hệ thống Hang C7. Hang C7 được giới khoa học quốc tế công nhận là hang động núi lửa có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á đến thời điểm hiện nay.
Hang C7 là một trong 50 hang động thuộc hệ thống hang núi lửa Krông Nô. Năm 2014 các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản từng công bố việc phát hiện hang dài 25 km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Dray Sáp. Riêng hang C7 khi đó được giới chuyên gia khảo sát xác định dài hơn một km và được đánh giá là hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á.
Miệng hang C7 thuộc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Ảnh: TTX
Về di sản địa chất các thành tạo nội thất trong hang động núi lửa Krông Nô rất phong phú, đa dạng và là những bằng chứng khoa học xác thực chứng minh cho nguồn gốc nội sinh và cơ chế thành tạo hang do thoát khí-co rút thể tích của dòng dung nham. Theo phân loại của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong hang động núi lửa Krông Nô, Đắk Nông có 7 kiểu, gồm: Di sản địa chất kiểu A - Cổ sinh; Di sản địa chất kiểu B - Địa mạo; Di sản địa chất kiểu C - Cổ môi trường; Di sản địa chất kiểu D - Đá; Di sản địa chất kiểu E - Địa tầng; Di sản địa chất kiểu F - Khoáng vật; Di sản địa chất kiểu I - Kiến tạo.
Về di sản văn hóa, hang động núi lửa Krông Nô chứa các di tích khảo cổ tiền sử, phản ánh nhiều thể loại di tích. Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu hệ thống hang động, các nhà khoa học đã phát hiện các dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm. Tháng 9 năm 2018, các nhà khoa học công bố những dấu tích sinh sống của người tiền sử được tìm thấy. Trước đó, trên thế giới chỉ có hệ thống hang động núi lửa ở Hàn Quốc phát hiện có dấu tích sinh sống của con người.
Hang động núi lửa Krông Nô được đánh giá có giá trị khoa học và thực tiễn. Về mặt khoa học, đây là một bảo tàng ngoài trời về các di sản địa chất hang động núi lửa, là bộ giáo cụ trực quan thiên nhiên sinh động cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong nhiều lĩnh vực tự nhiên (địa chất, đa dạng sinh học, cổ địa lý, biến đổi khí hậu...) và văn hóa (di tích tiền sử, nhân chủng học, lịch sử phát triển con người ở Tây Nguyên nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung). Về thực tiễn, hang động núi lửa ở đây là điểm nhấn đặc biệt, thu hút cộng đồng trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, học tập, tham quan thưởng ngoạn; là nguồn tài nguyên rất giá trị để khai thác du lịch, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Hữu Đức