Thế mạnh nổi bật của các tỉnh miền Trung là bờ biển dài với nhiều bãi biển trong xanh, ngoài khơi có các đảo còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ với hệ sinh thái biển đa dạng, thuận lợi cho phát triển du lịch biển, đảo.
Lễ hội trên đảo Lý Sơn thu hút du khách - Ảnh:VGP/Lưu Hương
Cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho hay, theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển đã đóng góp hơn 70% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước. Trong đó, Quảng Bình là một trong những tỉnh thuộc top các địa phương giáp biển có doanh thu dẫn đầu về du lịch trong cả nước.
Một kết quả quan trọng khác mà du lịch biển đã mang lại là tạo sinh kế bền vững cho nhân dân vùng ven biển và lao động trên biển. Không chỉ nâng cao đời sống, ngành du lịch biển đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân ven biển, bám biển, bám làng để bảo vệ môi trường. Việc khai thác và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên du lịch biển góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển.
Theo ông Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ngãi, trong thời gian qua, du lịch biển, đảo phát triển mạnh mẽ đã mang lại cơ hội xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển nhiều địa phương.
Rạng san hô tại biển Quảng Ngãi - Ảnh:VGP/Lưu Hương
Tại Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ, với hệ thống địa chất độc đáo hình thành từ sự phun trào núi lửa cách đây hàng chục triệu năm như hang Câu, hòn Đụn, chùa Hang, cổng Tò Vò… Với những lợi thế này, Lý Sơn đang là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
"Để phát triển du lịch tại Lý Sơn, cần nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và giữ gìn vệ sinh môi trường; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng; các khách sạn lớn phải có phương án thu gom nước mưa, tái chế, lọc nước biển thành nước ngọt để phục vụ du khách; xây dựng đảo bé thành đảo du lịch sạch, không carbon", ông Phan Long cho hay.
Biển Đà Nẵng thu hút hàng nghìn du du khách trong mỗi dịp Hè - Ảnh:VGP/Lưu Hương
Chú trọng quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch biển đảo, tuy nhiên thực tế Huế còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và đảo còn manh mún, hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền thành phố triển khai chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, giảm tính cạnh tranh vì vậy chưa hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế lớn cũng như các nhà đầu tư có thương hiệu đến với vùng biển của tỉnh.
"Thừa Thiên Huế cần quy hoạch mới cho du lịch biển đảo. Trong quy hoạch, cần phân định rõ khu vực cần thu hút nhà đầu tư với những dịch vụ có chất lượng cao; khu vực dành cho cộng đồng, với các dịch vụ bình dân. Trong quy hoạch cần lưu ý tình trạng khai thác quá mức vì lợi ích trước mắt, dẫn đến ô nhiễm môi trường sẽ đe dọa đến sự phát triển của các hệ sinh thái cảnh quan vùng biển đảo.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, có chính sách phù hợp theo từng giai đoạn, cùng với quy hoạch tốt được cho là hai yếu tố bắt buộc để thu hút được các nhà đầu tư xứng tầm; tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng ven biển, đảo, bao gồm cảng biển nước sâu Chân Mây các tuyến luồng hàng hải, sân bay quốc tế Phú Bài, đường giao thông ven biển, nhằm kết nối biển đảo Thừa Thiên Huế với các trung tâm đô thị lân cận.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, tại địa phương, sản phẩm du lịch biển, đảo đã có thương hiệu và phát triển, tuy nhiên so với tiềm năng thì phát triển vẫn còn chưa tương xứng. Các hoạt động thể thao, giải trí biển chỉ mới thu hút được đối tượng khách phổ thông, chưa có phân khu riêng cho khách cao cấp. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa quy mô nhỏ, tạm thời, hạ tầng chưa bảo đảm.
Để phát triển du lịch biển đảo, Đà Nẵng cần tập trung triển khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó, phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, ven vịnh Đà Nẵng, khu vực Bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Kết nối mở rộng không gian du lịch biển, đường thủy nội địa giữa Đà Nẵng với các địa phương Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất tại cảng biển Tiên Sa; xây dựng và triển khai Đề án phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy nội địa để phát triển các tuyến du lịch; tập trung triển khai các chương trình hợp tác du lịch giữa Đà Nẵng với Quảng Bình – Thừa Thiên Huế – Quảng Nam) và liên kết các địa phương (Hà Nội - TP. HCM - Hải Phòng - Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung)... kết nối các chuỗi dịch vụ hình thành các sản phẩm chung, xây dựng các chương trình tour du lịch biển đảo kết nối Đà Nẵng với các địa phương trong nước.
Lưu Hương