Sau khi di tích Biển Hồ được khai quật khảo cổ (năm 1993), nhiều cuộc khai quật đã được tiến hành tại một số di tích trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Việc tiếp tục triển khai công tác điều tra khảo cổ học là rất cần thiết nhằm xác định đầy đủ các di tích, lập bản đồ khảo cổ học, tạo dựng cơ sở dữ liệu để làm căn cứ cho công tác quản lý, bảo tồn và nghiên cứu.
Khảo cổ học Gia Lai được biết đến lần đầu với công bố của P.B.Lafont vào năm 1956 (theo “Khảo cổ học tiền sử Tây Nguyên” của tác giả Nguyễn Khắc Sử, Nhà xuất bản Giáo dục năm 2007). Từ năm 1975 đến nay, các nhà khảo cổ học đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, khảo sát và khai quật.
Biển Hồ là di tích được khai quật khảo cổ đầu tiên ở Gia Lai vào năm 1993. Đó là cơ sở để định danh nên văn hóa Biển Hồ. Đến nay, nhiều cuộc khai quật đã được tiến hành tại các di tích như: Trà Dôm, làng Ngol, Ia Mơr, Bang Keng, làng Gà, Hlang… Đặc biệt, giai đoạn 2015-2019, quần thể di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê được khai quật đã phát hiện một hệ thống di tích khảo cổ có niên đại khoảng 80 vạn năm cách ngày nay với địa tầng tương đối nguyên vẹn, ổn định.
Gần đây nhất, giữa năm 2022, Bảo tàng tỉnh và Trung tâm Khảo cổ học TP. Hồ Chí Minh (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp khảo sát trên địa bàn huyện Chư Prông đã phát hiện thêm nhiều di tích khảo cổ học thời tiền sử. Bên cạnh việc thẩm tra hiện trạng các di tích khảo cổ đã được biết đến từ trước, cuộc điều tra, khảo sát lần này đã phát hiện thêm một hệ thống di tích gồm 13 địa điểm phân bố trải dài từ phía Đông Bắc đến phía Tây Nam của huyện. Các địa điểm phát hiện mới gồm khu vực phía Bắc hồ Hoàng Ân (xã Bàu Cạn), di tích Sung Khoeng (xã Ia Drăng), di tích Ia Púch hay suối Quýt (xã Ia O), di tích làng Tnao, suối Tu (hay Briềng 1), Briềng 2, Briềng 3, làng Gà 7 (xã Ia Boòng), di tích Chư Kóh, Đội 7, rẫy Kpuih Phát hay Ia Púch (xã Ia Púch), địa điểm đập Ia Mơr, các điểm di tích ở Nông trường Cao su An Biên (xã Ia Mơr).
Phân loại hiện vật sau quá trình điều tra, khảo sát. Ảnh: Xuân Toản
Đặc biệt, tại di tích An Biên (thuộc Nông trường Cao su An Biên), các nhà khảo cổ đã ghi nhận rất nhiều mảnh tước, mảnh đá, phác vật công cụ… xuất lộ theo từng cụm dọc theo các rãnh đào sâu khoảng 0,6-0,8 m qua điều tra bề mặt. Dấu vết di vật đá xuất lộ phân bố trên 2 khu vực cách nhau khoảng 200 m, mỗi khu vực có quy mô rộng khoảng 80-150 m với mật độ hiện vật có xu hướng tập trung cao nhất ở phần địa hình nổi cao. Ở khu vực nằm về phía Bắc của di tích, vị trí xuất lộ nhiều mảnh tước, một hố thám sát được mở với diện tích 2 x 2 m (4 m2) nhằm xác định rõ hơn tính chất của di tích. Di vật tìm thấy trong hố thám sát chủ yếu là di vật bằng đá, gồm mảnh tước, vảy tước, phiến tước phác vật công cụ đang trong quá trình chế tác và hoàn thiện. Kỹ thuật chế tác công cụ đá tại các di tích phổ biến với kỹ nghệ phiến tước và tạo ra các công cụ có một mặt cong lồi kiểu “răng trâu”. Các phác vật và phế vật công cụ thuộc loại hình công cụ thuôn dài có vai xuôi lệch, một mặt phẳng và một mặt cong lồi đặc trưng của nhóm công cụ đá phổ biến trong thời đại Đá mới trên địa bàn tỉnh nói riêng và miền cao nguyên Trung phần nói chung.
Như vậy, qua cuộc điều tra các di tích nói trên cũng như từ kết quả thám sát ở di tích An Biên, căn cứ vào đặc điểm kỹ thuật, loại hình công cụ đang được chế tác, các nhà chuyên môn đoán định niên đại các di tích nói trên có niên đại vào khoảng 3.500-4.000 năm BP.
Hiện nay, việc phát triển nhanh chóng hạ tầng, thay đổi cơ cấu sử dụng đất để phát triển kinh tế khiến cho rất nhiều di sản văn hóa bị mai một, trong đó các di tích khảo cổ học bị tác động tiêu cực, thậm chí bị xóa sổ. Do đó, việc tiếp tục triển khai công tác điều tra khảo cổ học là rất cần thiết nhằm xác định đầy đủ các di tích, lập bản đồ khảo cổ học, tạo dựng cơ sở dữ liệu để làm căn cứ cho công tác quản lý, bảo tồn và nghiên cứu các di tích này trong tương lai.
Xuân Toản