Đàn đá là loại nhạc cụ gõ cổ xưa có niên đại hàng ngàn năm của Việt Nam. Người xưa đã sử dụng một số loại đá có sẵn trên những vùng núi ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ để tạo ra nhạc cụ này. Đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Ở Bình Phước, ngoài một số bộ đàn đá có niên đại hàng ngàn năm tuổi còn có 6 bộ được các nghệ nhân chế tác trong thời gian gần đây. Trong đó, vài bộ đang được trưng bày ở các khu bảo tồn, bảo tàng để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm của nhân dân.
Để người dân có thể thưởng thức những thanh âm đặc sắc của bộ nhạc cụ gõ độc đáo này khi đến tham quan tại các khu bảo tồn, bảo tàng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ngành văn hóa đã tạo điều kiện để các cán bộ của đơn vị được tập huấn, nghiên cứu và luyện tập cách sử dụng. Qua đó có thể trình diễn được những bộ đàn đá phiên bản phục chế theo loại nhạc cụ cổ xưa.
Người dân trải nghiệm với đàn đá - Ảnh: Đặng Hùng
Chị Trần Thị Hà, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh cho biết: “Hiện tôi mới đánh được 4 bài hát để phục vụ du khách. Khi mới tiếp xúc với loại nhạc cụ này thì thấy rất khó khăn vì chưa biết về nhạc lý, tôi phải tìm hiểu rất nhiều về các nốt nhạc. Âm thanh của các nốt trên đàn đá cũng rất khác so với nốt nhạc thông thường. Khi đánh đàn đá thì cần tập trung cao độ và phải có tâm lý thoải mái mới tự tin thể hiện trọn vẹn bài nhạc”.
Còn với người dân khi đến tham quan đàn đá ở các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh, ngoài được trực tiếp tìm hiểu, khám phá những thanh âm trong trẻo của đại ngàn, họ còn được trải nghiệm thực tế bằng cách trực tiếp tạo ra âm thanh ngẫu hứng dưới sự hướng dẫn của cán bộ nơi đây. Được chạm tay vào loại nhạc cụ cổ của ông cha, mỗi người có một cảm nhận riêng. Chị Hoàng Thị Giang ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài hào hứng chia sẻ: “Tôi từng thấy đàn đá nhưng chỉ là trên tivi và các phương tiện truyền thông, còn thực tế bên ngoài như thế nào thì khi đến bảo tàng tham quan mới được “mục sở thị”. Tôi cảm nhận âm thanh đàn đá rất lạ, rất hay, nó mang âm hưởng của núi rừng và thiên nhiên. Cuộc sống có rất nhiều lý do để chúng ta vội vã và khi nghe được những âm thanh này, tôi cảm nhận cuộc sống dường như chậm lại…”.
Bộ đàn đá phiên bản phục chế 14 thanh, ở phòng trình diễn của bảo tàng tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đặng Hùng
Đặc biệt đối với giáo viên thì việc được tìm hiểu sâu hơn, thực tế hơn về loại nhạc cụ này giúp họ có thêm thông tin, kiến thức và cảm xúc thật nhất khi truyền đạt lại cho học sinh trong các tiết dạy lịch sử hay nhạc cụ dân tộc. “Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm đàn đá, cảm thấy rất ngưỡng mộ ông bà ta thời xưa. Những âm thanh trầm bổng rất hay và đậm đà bản sắc dân tộc. Có dịp cô và trò sẽ tổ chức đến trải nghiệm để các em học sinh có thêm bài học thực tế sinh động” - cô Nguyễn Thị Ngọc Lợi, giáo viên Trường THCS Tân Phú, TP. Đồng Xoài bày tỏ.
Đàn đá mang lại những thanh âm rất lạ so với các loại nhạc cụ phổ biến khác. Để lĩnh hội, cảm thụ và truyền tải những âm sắc này thành một bài nhạc trọn vẹn phục vụ công chúng cũng mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự nỗ lực và tâm huyết của cán bộ ngành văn hóa. Để đánh được đàn đá phải có năng khiếu và luyện tập thường xuyên thì mới nhớ và thuần thục. Hiện trên địa bàn huyện Bù Đăng có 7 người cơ bản biết đánh đàn đá, trong đó 2-3 người đánh được từ 2 bài trở lên.
Anh Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Bù Đăng
Tập quán chơi đàn đá đã được gìn giữ và lưu truyền qua hàng ngàn năm, dẫu trải qua biết bao thăng trầm. Để đàn đá được phổ biến đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thì cần có những nghiên cứu, thực hành và sử dụng đàn đá rộng rãi hơn nữa, để di sản không chỉ là vật để lưu giữ, nhìn ngắm mà còn có thể cảm nhận và tấu lên những thanh âm rạo rực của đại ngàn. Từ đó góp phần phát huy giá trị thực tế của di sản với công chúng.
Ly Na