Khu bảo tồn biển giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển, đặc biệt là bảo tồn các loài thủy sản có giá trị khoa học, kinh tế.... Do vậy việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển ở nước ta là giải pháp quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đối với vùng ven bờ, ven đảo.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển; nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới với 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Trong đó, khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước Ngoài ra, Việt Nam còn có hơn 650 loài rong biển, gần 660 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển và hơn 400 loài san hô. Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển.
Các khu bảo tồn biển giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển. Ảnh: H. Hải
Với nguồn lợi thủy sản phong phú được khai thác hiệu quả, những năm qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong năm 2022, kinh ngạch xuất khẩu của ngành này đạt trên 10 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,042 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác 3,858 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành kinh tế biển cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, vấn đề báo động nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường biển, suy thoái hệ sinh thái biển,...
Trước tình hình này, Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng Khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tăng cường công tác thực thi pháp luật tại các khu bảo tồn biển. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và bàn giao cho UBND các tỉnh thành lập, điều chỉnh và mở rộng các khu bảo tồn biển.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 11 Khu bảo tồn biển và vùng biển thuộc Vườn Quốc gia được thành lập và quản lý. Hiện cả nước đang có 6 Ban quản lý riêng biệt về khu bảo tồn biển cùng với 5 Ban quản lý Vườn quốc gia có biển. Tuy nhiên các Ban quản lý này có những hình thức tổ chức khác nhau. Điều này dẫn đến một số bất cập nhưng có những nơi chưa đủ chức năng xử lý vi phạm, có những nơi còn chưa đủ thẩm quyền để tham mưu về công tác bảo tồn biển.
Tái tạo nguồn lợi thủy hải sản là một trong những giải pháp bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học. Ảnh: BKH
Tại hội nghị triển khai chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản, giai đoạn 2021-2030; bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, khu bảo tồn biển giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp tự nhiên của biển; bảo tồn các loài thủy sản có giá trị khoa học, kinh tế; bảo vệ các dải đất ven biển, ven đảo chống xói lở bờ biển. Những điều đó góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đối với vùng ven bờ, ven đảo.
Ngoài ra, khu bảo tồn biển có tác dụng làm hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường biển, tạo ra không gian xanh cho ngành du lịch biển và một số ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế biển như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Do vậy, để bảo vệ đa dạng sinh học ở quốc gia có thế mạnh về biển, cần hoàn thiện quy hoạch quốc gia, cơ chế, chính sách bảo vệ, bảo tồn trên cơ sở phát huy nội lực là quyết định; tiếp tục mở rộng, phát triển thêm các khu bảo tồn; tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, cần triển khai đồng bộ các văn bản quy định pháp luật; hoàn thành đề án Quy hoạch tổng thể quốc gia về bảo tồn và phát triển kinh tế biển; mở rộng các khu bảo tồn biển; xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động,...
Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản tổng hợp các ý kiến về những hạn chế trong hoạt động của các khu bảo tồn biển, hoàn thiện báo cáo trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo tồn biển để đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, để công tác bảo tồn biển đạt hiệu quả hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu của khu bảo tồn biển; chính sách hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các ngư dân hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trong khu bảo tồn biển sang các nghề thân thiện với môi trường.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo tồn biển để đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của các địa phương trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, tái tạo, phục hồi môi trường sống cho các loài sinh vật biển nói chung, nguồn lợi thủy sản nói riêng. Kết nối các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển với các địa phương nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy việc mở rộng thành lập mới các khu bảo tồn biển, ven biển.
Minh Huy