Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để thích ứng với xu thế mới

Cập nhật: 23/12/2022
Để du lịch nông thôn thật sự trở thành một động lực trong xây dựng nông thôn mới, cần có sự quan tâm từ các bộ, ngành, địa phương; có những chính sách hỗ trợ cụ thể; cần hướng đến những sự khác biệt ở mỗi vùng miền để sáng tạo ra sản phẩm phù hợp thị trường cũng như nhu cầu của du khách.

Đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn thành một hướng đi mới sau đại dịch

Tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 21/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam có nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú mà không cần phải đầu tư nhiều.

Với diện tích nông thôn rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng, tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay rất đa dạng, phong phú và đặc sắc. 

Bên cạnh đó còn có các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em rất bản sắc… người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình. Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên nguồn tài nguyên lại chưa được khai thác hết và hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau đại dịch COVID-19 không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng định hình lại các lĩnh vực trong đó có cả du lịch, giải trí. Chúng ta khó có thể quay lại như xưa và phải thích ứng với xu thế mới sau đại dịch với nhiều dịch bệnh khác còn diễn biến bất thường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan băn khoăn, trước và sau dịch COVID-19, vì sao chúng ta thích đi du lịch Thái Lan hơn và Thái Lan thu hút khách du lịch đông hơn? Phải chăng du lịch Thái Lan rẻ hơn và tạo được sự liên kết các điểm đến, hình thành các điểm du lịch vệ tinh kéo dài được hành trình trải nghiệm của du khách?

Trong bối cảnh lạm phát tăng, chi tiêu cá nhân hạn chế khách du lịch sẽ tìm đến những nơi giá rẻ. Đây không còn là câu chuyện của riêng ngành du lịch, của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hay của các công ty du lịch mà của toàn bộ nền kinh tế phải san sẻ cho nhau. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn đưa du lịch nông nghiệp nông thôn trở thành một ngành kinh tế, một hướng đi mới sau đại dịch, không chỉ tập trung vào các đô thị lớn và khu du lịch lớn.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay, các cấp, các ngành đang cùng nhau bàn về thị trường du lịch, mở cửa visa để tạo thuận lợi cho du khách. Cũng giống như nông nghiệp, nhiều khi tìm được thị trường rồi nhưng không có sản phẩm hoặc sản phẩm không đáp ứng được thị trường đó, hoặc chỉ đáp ứng được 1 lần không đáp ứng được nhiều lần, du lịch cũng vậy, có nơi chỉ đến một lần không bao giờ quay lại …

Do đó vừa mở cửa, vừa phải chuẩn bị thị trường, chuẩn bị sản phẩm có sự khác biệt, giàu cảm xúc. Ngoài những điểm du lịch đã nổi tiếng và định vị được thương hiệu như Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc… cần phải lan tỏa những điểm đến mới ở nông thôn Việt Nam, những  cung đường của Tây Bắc với đa dạng các lễ hội, sự đặc sắc của văn hóa vùng miền các dân tộc anh em. 

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Tạo ra điểm liên kết để du lịch nông nghiệp kéo dài.

Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền cũng chính là một trong những nhiệm vụ Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề ra.

Cụ thể, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi,…). Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.

Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ, bảo đảm chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường.

Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao,…; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng.

Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống,… gắn với du lịch nông thôn.

Trong thời gian qua đã có những hội thảo bàn giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, các nhà chuyên môn đã chỉ ra những bất cập cơ bản trong du lịch nông thôn như các vấn đề liên quan quản lý đất đai, hạ tầng, chính sách hỗ trợ, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn. 

Để du lịch nông thôn thật sự trở thành một động lực trong xây dựng nông thôn mới, cần có sự quan tâm từ các bộ, ngành địa phương; có những chính sách hỗ trợ cụ thể; cần hướng đến những sự khác biệt ở mỗi vùng miền để sáng tạo ra sản phẩm phù hợp thị trường cũng như nhu cầu của du khách.

Hiện Tổng cục Du lịch đã phát triển mô hình "Làng du lịch thông minh" (Smart Village) nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, sức mạnh của cộng đồng,… hình thành các điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được du khách trong nước và nước ngoài tin cậy truy cập, tìm kiếm qua các website, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ.

Diệp Anh

Nguồn: Báo Chính phủ - baochinhphu.vn - Đăng ngày 22/12/2022