Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu văn hóa, điểm du lịch

Cập nhật: 03/07/2009
Lần đầu tiên Thanh tra Bộ VH-TT-DL tổ chức đoàn kiểm tra về công tác thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại các khu văn hóa, khu du lịch tại 5 tỉnh: Lào Cai, Hải Dương, Quảng Ninh, Điện Biên, Ninh Bình được coi là có nhiều tiềm năng du lịch và đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm.

Những con số gây sốc

Một trong những thực tế có thể dễ dàng nhận ra là khi điểm du lịch nào đó trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến thì vấn đề ô nhiễm môi trường tại đó càng trở nên trầm trọng. Theo báo cáo sơ bộ của Thanh tra Bộ VH-TT-DL thực hiện với 23 điểm, khu du lịch tại 5 tỉnh thành phố là Lào Cai, Hải Dương, Quảng Ninh, Điện Biên, Ninh Bình đã đưa ra nhiều con số gây sốc. Có tới 22/23 đơn vị hoạt động du lịch không có giấy phép xả thải do Sở Tài nguyên - Môi trường cấp; 20/23 đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch không xây dựng kế hoạch, chương trình hành động bảo vệ môi trường hàng năm... Trong đó nhiều khu du lịch sử dụng nguồn nước khoáng để kinh doanh mà không xin phép như khu suối khoáng Pe Luông, khu du lịch tắm nước khoáng Cúc Phương...

Việc xử lý nước thải tại các khu điểm du lịch còn rất thô sơ, chưa có hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường và 12 đơn vị trong số đó đã thả nước trực tiếp vào môi trường mà không hề sử dụng hệ thống xử lý nước. Việc bố trí các thùng thu gom rác, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn tại các khu văn hóa, khu du lịch còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách trong những ngày lễ hội.

Thậm chí nhiều khu du lịch điểm, điểm du lịch như khu du lịch xã Tả Phìn, Lào Cai nằm xen kẽ với khu vực dân sinh nơi bà con vẫn giữ tập quán chăn thả gia súc gần nơi người sinh sống khiến môi trường du lịch cũng bị xâm hại.

Việc bố trí trang thiết bị, phương tiện để phát hiện, ứng phó với sự cố ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch cũng chưa được thực hiện. Đặc biệt, kết quả kiểm tra một trong những yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch là bản báo cáo đánh giá tác động về môi trường thì chỉ có 3/23 đơn vị biết và có báo cáo này.

Đâu là giải pháp thích hợp?

Vấn đề xử lý của cơ quan chức năng gặp khá nhiều khó khăn, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết. Một phần là do mỗi điểm, khu du lịch lại chịu sự quản lý của các đơn vị khác nhau như UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL, có điểm thuộc sự quản lý của tư nhân, của cộng đồng dân cư... vì thế quy trách nhiệm về việc bảo vệ môi trường du lịch là không đơn giản.

Được biết, thời gian qua, nhiều hoạt động tuyên truyền hướng tới việc bảo vệ, xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, lành mạnh cũng đã được phát động ở nhiều nơi song kết quả thu được chưa cao. Bởi lẽ, người dân cũng như đơn vị kinh doanh du lịch từ trước tới nay vẫn chưa bỏ được thói quen tùy tiện sử dụng tài nguyên môi trường những cái đã có sẵn, như của “trời cho”, mà không có ý thức gìn giữ và tái đầu tư .

Theo ông Thành, đợt kiểm tra này cũng chưa nhằm mục đích xử phạt mà chỉ muốn đánh động và hy vọng đây là hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức trách nhiệm của con người đối với môi trường, đặc biệt là cảnh tỉnh mối dây liên hệ giữa việc gìn giữ, bảo vệ và khai thác môi trường của ngành công nghiệp không khói. Trong 6 tháng cuối năm, Thanh tra Bộ VH-TT-DL sẽ tiếp tục kiểm tra việc gìn giữ và bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại 8 tỉnh miền Trung và miền Nam.

 

Nguồn: Theo SGGP