Thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bến Tre được hình thành bởi 3 cù lao do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ. Vì thế, nơi đây sở hữu hệ sinh thái đa dạng, môi trường tự nhiên trong lành với những rừng dừa kéo dài bất tận và những vườn cây trái sum suê. Đây chính là lợi thế để Bến Tre phát triển các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh sự trùng lặp với các địa phương trong khu vực.
Du khách quốc tế tham quan chợ nổi Dừa.
Mênh mông xứ Dừa
Nhắc đến Bến Tre, người ta nghĩ ngay tới những rừng dừa trải dài, nhưng ít ai biết rằng, nhiều thế kỷ trước, đây từng là vùng đất của tre, vì thế mới có tên là “Bến Tre”. Cây dừa gắn bó với người dân nơi đây từ hơn 1 thế kỷ trước, do loài cây này có thể sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước lợ. Bến Tre được mệnh danh là “xứ Dừa” bởi đây là nơi có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước. Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, toàn tỉnh hiện có hơn 77 nghìn hecta trồng dừa, chiếm 40% diện tích dừa cả nước; sản lượng khoảng 600 triệu quả/năm.
Với người dân Bến Tre, cây dừa có nhiều tác dụng: Thân dừa dùng để dựng nhà, lá dừa có thể lợp mái hay đan thành chậu hoa; quả dừa cho nguồn nước mát lành, cơm dừa có thể biến tấu thành nhiều món ăn độc đáo. Ngày nay, ngành chế biến dừa tại Bến Tre phát triển rất mạnh mẽ nhờ việc xuất khẩu chỉ xơ dừa để làm nệm, đan lưới; sọ dừa dùng để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ hoặc đốt làm than hoạt tính cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều năm qua, Trung Quốc, Mỹ, Sri Lanka... đã trở thành thị trường chính chuyên thu mua và đặt nhà máy sản xuất nguyên liệu từ dừa tại Bến Tre.
Đến với Bến Tre, du khách không chỉ được đạp xe dưới rừng dừa, tham quan làng xóm, tìm hiểu cuộc sống của người dân mà còn có thể trải nghiệm tham quan chợ nổi Dừa trên dòng sông Thom. Chợ nổi là nét văn hóa đặc trưng của miền Tây. Các chợ nổi như Cái Răng (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), Cái Bè (Tiền Giang)... chuyên bán hoa quả, nông sản; nhưng chợ nổi Dừa ở Bến Tre là chợ nổi độc đáo nhất bởi nơi đây chỉ bán mặt hàng duy nhất là dừa. Không chỉ đơn thuần là nơi giao thương như các chợ nổi khác, chợ nổi Dừa ở Bến Tre gắn với việc sản xuất, chế biến dừa. Các cơ sở thu mua, chế biến nằm dọc theo sông Thom, suốt chiều dài 5 - 6km, từ chợ Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đến khu vực sông Cổ Chiên của tỉnh Trà Vinh. Đây cũng là tuyến đường thủy ngắn nhất nối hai địa phương này và rất thuận lợi để phát triển du lịch.
Du khách sẽ được chứng kiến không khí lao động sôi nổi tại chợ nổi Dừa. Mỗi cơ sở có hàng chục nhân công thoăn thoắt tung - bắt, tách vỏ dừa; những băng chuyền nhộn nhịp đưa dừa từ thuyền lên bờ hay những chiếc tàu trọng tải lớn với những tấm lưới khổng lồ vận chuyển hàng tấn dừa về các nhà máy liên doanh với nước ngoài để chế biến nguyên liệu tại chỗ. Ở chợ nổi Dừa Bến Tre, không khí mua bán, sản xuất luôn tấp nập từ sáng sớm đến chiều tối, bất kể mưa nắng và trải dọc sông chứ không tập trung tại ngã ba sông như các chợ khác. Hơn nữa, vẻ nguyên sơ, mộc mạc, chưa có nhiều khách du lịch đến càng tạo thêm nét hấp dẫn cho chợ nổi Dừa độc đáo.
Phát triển điểm đến đặc trưng
Chợ nổi Dừa là một trong những điểm nhấn trong hành trình tham quan “Con đường Dừa” hiện đang được các đơn vị lữ hành tại Bến Tre “bắt tay” với các công ty du lịch ở Trà Vinh, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh để khai thác, phát triển tuyến điểm đi qua các địa phương này.
Theo ông Trì Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vĩnh Bình: “Sản phẩm “Con đường Dừa” được hình thành nhằm khai thác thế mạnh đặc trưng của từng địa phương, giúp du khách tìm hiểu văn hóa đặc trưng của miền Tây với chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), qua xứ Dừa Bến Tre rồi kết nối với vùng văn hóa Khmer của Trà Vinh. Du khách cũng có thể tiếp tục đi từ Cần Thơ sang Campuchia hoặc về Phú Quốc (Kiên Giang)... Chúng tôi muốn xây dựng sản phẩm liên kết giữa các địa phương, vừa để phát huy thế mạnh đặc trưng của từng điểm đến, vừa thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là khách quốc tế”.
Nỗ lực tìm cách định hình bản sắc riêng cho các sản phẩm du lịch bằng những lợi thế đặc trưng là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung, thời gian qua, Bến Tre đã xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu “xứ Dừa”. Tỉnh chú trọng quảng bá tới du khách các tour tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa xứ Dừa như: Xây dựng đề án Làng Dừa sông Thom; tổ chức Lễ hội Dừa thường niên gắn với các sự kiện văn hóa khác như Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Bánh, Lễ hội hoa, trái cây ngon hay Phiên chợ cuối tuần, phố đêm xứ Dừa tại thành phố Bến Tre nhằm quảng bá nét đặc trưng văn hóa và thu hút khách đến với tỉnh. Bến Tre cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu điểm đến xứ Dừa xanh gắn với phát triển du lịch bền vững nhằm tránh sự trùng lặp với các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó khẳng định sức hấp dẫn, khác biệt của Bến Tre trên bản đồ du lịch Việt.
Bài và ảnh: Linh Tâm