Trong vài năm trở lại đây, Yên Bái tập trung thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp (SXNN) sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Nổi bật và quan trọng nhất là thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Chế biến măng tre Bát độ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành.
Cụ thể, tỉnh Yên Bái tập trung cơ cấu lại lĩnh vực và sản phẩm; khuyến khích sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp theo hướng bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm tổ chức sản xuất theo nhu cầu của thị trường và đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật (KHKT), thị trường; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã thực hiện cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ vào SXNN để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp; trong đó, chú trọng lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết để đưa vào cơ cấu giống cây trồng, ứng dụng, cải tiến công nghệ sinh sản trong chọn giống vật nuôi, áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất chăn nuôi khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến; điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp trồng trong rừng phòng hộ theo hướng tăng loài cây trồng đa tác dụng, đa mục tiêu, các loài cây bản địa gỗ lớn, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tính bền vững của rừng…
Năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt 11 tháng đạt 323.510 tấn, bằng 102,4% kế hoạch, tăng 0,42% so với cùng kỳ,vượt 2,38% kế hoạch năm 2022; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 64.510 tấn, bằng 107,5% kế hoạch; Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.602,1 ha/kế hoạch; Trồng mới 15.861 ha rừng, bằng 102,3% kế hoạch...
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có trên 500 nhà máy, cơ sở chế biến gỗ, với sản lượng sản phẩm ván bóc, xẻ thanh khoảng 380.000 m3/năm; ván ép, ván ghép thanh khoảng 75.000 m3/năm; giấy đế, giấy vàng mã khoảng 35.000 tấn/năm; dăm gỗ khoảng 40.000 tấn/năm; 13 nhà máy và 120 cơ sở chế biến tinh dầu quế, trên 60 cơ sở chế biến chè đang hoạt động, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 2 nhà máy chế biến măng tre xuất khẩu...
Tỉnh Yên Bái chú trọng cơ cấu lại sản xuất theo vùng. Trong đó, đối với vùng cao, tận dụng lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc để xây dựng chuỗi cung ứng kép đặc trưng, có chất lượng như: phát triển nông nghiệp, nông thôn - du lịch; nông nghiệp, nông thôn - dịch vụ, thương mại, phát triển đại gia súc tại các huyện vùng cao, vùng có điều kiện chăn thả.
Địa phương đã chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa đối với những sản phẩm đặc sản, hữu cơ gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP, bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân...
Với vùng thấp, chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp và chăn nuôi; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực.
Mở rộng nuôi trồng tập trung, thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản giá trị cao tại các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái… phát triển sản phẩm cá sạch, cá đặc sản hồ Thác Bà…; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn, tổ chức lại sản xuất ở nông thôn theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết trong SXNN; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao năng lực và phát triển hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác để phối hợp và phân công sản xuất hợp lý, hiệu quả; bảo đảm tối đa hóa và hài hòa lợi ích giữa người dân trực tiếp sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, đơn vị phân phối sản phẩm và người tiêu dùng…
Hạnh Vân (t/h)