Tạp chí chuyên ngành thủy sản Catch and Culture của Ủy hội Sông Mê Kông (Mekong River Commission – MRC) số mới nhất có bài giải thích vì sao một trung tâm thủy cung sinh vật nước ngọt tỉnh lẻ của Thái lại thu hút hàng chục ngàn du khách mỗi tháng.
Từ một quyết định
Các công viên thủy cung không nhất thiết phải có những loài thủy sinh sặc sỡ và thú biết biểu diễn thì mới thu hút du khách. Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy nếu được quản lý tốt, thủy cung cá nước ngọt có thể sinh lời cao nhờ khách du lịch, đồng thời giúp công chúng biết nhiều hơn về thủy sản.
Một hồ nước cạn gần hết có lẽ không phải là nơi khả thi để xây dựng trung tâm triển lãm quy mô nhất dành cho cá nước ngọt và các động vật dưới nước khác, nhất là khi nơi đó lại cách Bangkok 160 km. Nhưng đó lại là nơi Công viên thủy cung Bueng Chawak (tỉnh Suphan Buri) bắt đầu hình thành vào năm 1994 khi Thủ tướng lúc đó là Banharn Silpa-archa quyết định dành khu vực này cho một dự án phát triển hoàng gia nhằm chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 50 Vua Bhumibol Adulyadej lên ngôi, năm 1946.
Công việc xây dựng bắt đầu bằng việc đào cho hồ sâu thêm nhằm chứa tới 10 triệu mét khối nước để tưới cho hơn 1.000 ha đất nông nghiệp. Bước kế tiếp là triển khai xây dựng khu vực xung quanh hồ, với sự hợp tác của nhiều Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, đặc biệt là Cục Thủy sản. Cục này bắt đầu xây dựng Trung tâm Triển lãm động vật thủy sinh trên hòn đảo vào năm 1996. Hạng mục chính là thủy cung nước ngọt tốn 33 triệu baht (khoảng 1,3 triệu USD lúc đó). Các Cục khác thuộc Bộ cùng tham gia lập ra Trung tâm Động vật hoang dã mở rộng và Vườn Thực vật bản địa dọc theo bờ hồ.
Hai thủy cung nước ngọt
Từ khi mở cửa đón khách năm 1998, Trung tâm triển lãm Thủy sinh Bueng Chawak đã được mở rộng đáng kể. Khu thủy cung ban đầu gồm khoảng 50 loài và được coi là quá nhỏ. Do đó vào năm 2001, Cục Thủy sản quyết định xây khu thủy cung nước ngọt thứ hai lớn hơn với kinh phí 51 triệu baht (tương đương 1.6 triệu USD theo tỷ giá hiện nay). Thủy cung mới này mở cửa năm 2003 và gồm hơn 60 loài thủy sinh, phần lớn là bản địa nhưng cũng có vài loài nhập từ nước ngoài. Việc mở rộng này làm tăng chi phí hoạt động (nhất là tiền điện hằng tháng) và chi phí lao động vì số nhân viên tăng gần gấp đôi. Người ta nghĩ đến việc tăng giá vé vào cửa, vốn ở mức phải chăng là 30 baht (0,9 USD) cho người lớn và 10 baht (0.3 USD) cho trẻ em, để tiến gần đến giá vé vào các khu thủy cung khác ở Thái. Nhưng vì không thể tăng tiền vé để bù vào chi phí, Cục Thủy sản tại Bangkok quyết định giao lại trung tâm cho tỉnh Suphan Buri dù những phần khác của Bueng Chawak vẫn thuộc Bộ Nông nghiệp.
Giá vé vào cửa rẻ có lẽ là một trong những nguyên nhân thành công. Khi chúng tôi đến Bueng Chawak vào một ngày, hàng trăm du khách gồm người già và sinh viên đang trần mình dưới cái nóng để tham quan hai thủy cung nước ngọt này. Theo ông Prasit Watprasit, nguyên là nhà sinh học ở Cục Thủy sản và bây giờ quản lý nơi này, trung bình Bueng Chawak đón khoảng 1.000 khách vào ngày thường, 3.000 vào cuối tuần và 5.000 vào ngày lễ. Prasit nói vé 30 baht cho người lớn là “món hời” so với các khu thủy cung biển ở Bangkok (vé 450 baht: 13,6 USD) và Pattaya (250 baht: 7,6 USD). Và dù thủy cung ở Chiangmai gần đây giảm vé vào cửa xuống còn 190 baht, giá này vẫn còn đắt gấp sáu lần vé vô các thủy cung ở Trung tâm Bueng Chawak, nơi còn có cả một công viên cá sấu.
Bí quyết thành công
Nhưng chỉ giá rẻ thôi sẽ không bảo đảm thành công. Ví dụ tại một tỉnh trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông, chính quyền tỉnh miễn phí vào cửa thủy cung của tỉnh nhưng ít khách tới vì các bể cá trong tình trạng không tốt. Ngoài ra, cái gì miễn phí đều có thể phát sinh tâm lý là đồ rẻ rúng. Theo ông Prasit, một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công cho một thủy cung là đường hầm cho khách xem cá, và đó chính là điều Bueng Chawak đã làm với bể chứa lớn nhất cho thủy cung thứ hai. Ông nói: “Chúng tôi bắt được ý tưởng này từ chính du khách”. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các bể chứa với các loài lớn. “Các loài này được xem là đặc biệt và người ta thích chúng”.
Bể chứa lớn nhất trong thủy cung thứ hai chứa đến 400 tấn nước trong khi bể lớn nhất trong thủy cung thứ nhất chỉ 280 tấn nước. Nó bao gồm một số loài lớn như hai loài cá da trơn Mêkông khổng lồ tên khoa học là Pangasianodon gigas nặng hơn 110 kg mỗi con.
Đối với bể cho du khách xem, ông Prasit đã đề nghị sử dụng kiếng cho các bể nhỏ chứa 1, 2 hoặc 3 tấn nước, và chất acrylic cho các bể lớn hơn, nhất là mấy cái hơn 10 tấn nước. Một điều quan trọng khác nữa là giữ nước càng sạch càng tốt. Còn với thủy cung Bueng Chawak, tự ông Prasit thiết kế hệ thống lọc cho các bể riêng được lắp vào thành bể để thay cho một hệ thống lọc chung cho tất cả các bể.
Tạo nguồn thu duy trì hoạt động
Nhưng có lẽ yếu tố quan trọng nhất bảo đảm thành công cho một thủy cung là làm sao tạo đủ nguồn tài chính để duy tu bảo dưỡng. Với Bueng Chawak, trung tâm đến giờ vẫn được ủng hộ mạnh mẽ từ cựu Thủ tướng Banharn, người chủ nhật nào cũng đến thăm Bueng Chawak cùng với Somwang Phimonbut, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thủy sản nước ngọt tỉnh Suphan Buri, người từng đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập trung tâm Bueng Chawak và nay là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thủy sản nước ngọt quốc gia tại Bangkok. Ông cũng có công trong việc đưa Thái Lan đi tiên phong trong nhân giống một loài cá Mê Kông đặc hữu có nhiều ở Suphan Buri, nhiều đến nỗi có một khu vực được đặt tên theo loài cá này (tên tiếng Thái là pla ma, nghĩa là cá ngựa).
Bueng Chawak đã và đang làm đậm hình ảnh của mình với du khách thông qua tạp chí của riêng trung tâm, xuất bản 2 tháng 1 lần. Tạp chí này đã xuất bản được 5 năm, hiện bán với giá 35 baht (1,06 USD), và ông Banharn là trưởng ban biên tập. Tỉnh Suphan Buri có lẽ không phải là một điểm đến quen thuộc của du khách nước ngoài khi đến Thái nhưng ông Parsit nói ngày càng có nhiều khách nước ngoài đến trung tâm trong một vài năm qua, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga. Và Bueng Chawak vẫn tiếp tục phát triển với việc mở cửa thủy cung thứ ba vào tháng 2 năm nay. Khác với hai thủy cung kia, cái mới này dành cho sinh vật biển, và giá vé vào cửa cao hơn: 120 baht (3,6 USD) cho người lớn và 30 baht (0,9 USD) cho trẻ em. Tuy nhiên, giá này cũng còn rẻ hơn vé cho các thủy cung sinh vật biển ở Bangkok và Pattaya.