Trong khuôn khổ chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2023”, ngày 8/1, tại di tích đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) diễn ra lễ cáo yết Thành Hoàng, cúng Tổ nghề và dựng cây nêu đón Tết.
Sự kiện do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức, nhằm thúc đẩy sự quan tâm của giới trẻ đến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông; nâng cao ý thức của cộng đồng về một “lễ hội” lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghi lễ rước phẩm vật dâng cúng Thành Hoàng tại đình Kim Ngân.
Theo đó, trước khi diễn ra các nghi thức tại đình Kim Ngân, Ban tổ chức đã thực hành nghi lễ rước phẩm vật từ Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) qua nhiều điểm di tích thuộc khu phố cổ tới cửa đình, tạo nên một không khí hân hoan, náo nức. Bên cạnh các hoạt động phỏng dựng nghi thức lễ tết cổ truyền, tại đình Kim Ngân còn có nhiều hoạt động tái hiện không khí Tết xưa, như: Trang trí không gian Tết, giới thiệu con giáp của năm Quý Mão, ông đồ viết thư pháp, biểu diễn nghệ thuật “Giao lưu diễn xướng âm nhạc truyền thống các vùng miền”, giới thiệu các dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ…
Đoàn rước diễu hành qua nhiều điểm di tích thuộc khu phố cổ Hà Nội.
Cùng với Di tích đình Kim Ngân, tại nhiều điểm đến di sản, giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội cũng có nhiều chương trình, sự kiện văn hóa hưởng ứng chương trình. Có thể kể đến, không gian sắp đặt và giới thiệu hoạt động đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa, với việc tổ chức gói bánh chưng; lễ cúng ông Công, ông Táo và ngày Tất niên; “thú” gọt, tỉa và chơi hoa thủy tiên... tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây).
Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) trưng bày triển lãm tranh chủ đề “Mèo” của nhóm các họa sĩ Hà Nội; giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử Bạc Liêu; cũng như giới thiệu di sản âm nhạc Bắc Bộ “Chuyện nhạc đồng bằng” của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc.
Tại phố bích họa Phùng Hưng có không gian chợ xuân giới thiệu các sản phẩm truyền thống, như: Tranh dân gian, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he, các mặt hàng phục vụ ngày Tết và trình diễn, giao lưu một số loại hình âm nhạc truyền thống gồm hát xẩm, múa xòe Thái, đờn ca tài tử…
Du khách thích thú tìm hiểu truyền thống xin chữ ngày xuân của người Việt.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, sau 3 năm tạm dừng vì đại dịch Covid-19, “Tết Việt - Tết phố” trở lại, nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị di sản văn hóa giàu bản sắc của dân tộc; nâng cao ý thức của cộng đồng, nhất là giới trẻ trước việc gìn giữ, phát huy giá trị Tết cổ truyền trong đời sống đương đại.
“Cụ thể, “Tết Việt – Tết Phố” năm nay mở rộng sự tham gia của cộng đồng hơn nữa, tạo cơ hội để người Việt khắp đất nước cũng như kiều bào ở xa tổ quốc cùng hướng về cội nguồn, gắn kết với nhau và chung tay tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đây đồng thời là cơ hội tốt để quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch của địa phương tới du khách trong nước và quốc tế”, bà Trần Thị Thúy Lan nói.
Cùng ngày, Ban tổ chức đã khai mạc chương trình "Tết Việt - Tết phố 2023" tại đình Kim Ngân với các hoạt động giao lưu diễn xướng âm nhạc truyền thống hát xoan, đờn ca tài tử, hát xẩm...
Miên Hạo